Cùng đối mặt với áp lực an ninh và các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây, Liên bang Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thời gian qua liên tiếp có những động thái đẩy mạnh quan hệ toàn diện, tạo nên cục diện địa chính trị mới đáng chú ý tại Đông Bắc Á.
Hôm 21/01, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin có ý định sớm đến thăm Triều Tiên, khẳng định đây là tín hiệu mới nhất cho thấy quan hệ Nga-Triều Tiên đang tăng tốc phát triển mạnh mẽ.
Động lực mới cho quan hệ Nga-Triều
Thông cáo do KCNA phát đi chỉ ít ngày sau chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Triều Tiên, Choe Son Hui (15-17/01). Theo đánh giá từ phía Triều Tiên, chuyến thăm của bà Choe Son Hui tới Nga là một phần trong quá trình triển khai trên thực tế thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Triều Tiên-Nga, giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga, Vladimir Putin vào tháng 9 năm ngoái tại miền Viễn Đông (Nga), đồng thời là bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đáng tin cậy trong quan hệ chiến lược và định hướng tương lai giữa Triều Tiên và Nga. Cũng theo phía Triều Tiên, hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á, và đạt quan điểm đồng thuận về các vấn đề này. Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của mỗi nước, đồng thời thiết lập một trật tự quốc tế đa cực mới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thăm Nga, tháng 9/2023. Ảnh: KCNA |
Bối cảnh an ninh phức tạp hiện nay trên thế giới khiến nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng Nga-Triều đẩy mạnh quan hệ sẽ kéo dài. Lee Ho-ryung, chuyên gia nghiên cứu tại Học viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng nếu đánh giá từ góc độ Triều Tiên thì việc nước này gia tăng quan hệ với Nga là điều không ngạc nhiên, bởi Triều Tiên đang nhìn nhận môi trường quốc tế hiện nay có bối cảnh phức tạp, nên cần thiết phải lựa chọn đối tác có tiềm lực. Trong khi đó, Joseph Dempsey, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược (IISS). thì cho rằng Triều Tiên có lợi ích rõ ràng nếu thúc đẩy hợp tác với Nga.
Các thông điệp phát đi từ Nga cũng khẳng định động lực mới trong quan hệ của nước này với Triều Tiên. Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, trong chuyến thăm của bà Choe Son Hui tới Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập cùng quan chức Triều Tiên tất cả các tiềm năng hợp tác giữa 2 quốc gia:“Tổng thống và Ngoại trưởng Triều Tiên đã thảo luận về quan hệ song phương nói chung, về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và trao đổi quan điểm về những vấn đề quốc tế nổi bật nhất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự phát triển của quan hệ song phương và như chúng tôi từng tuyên bố, Triều Tiên là đối tác rất quan trọng của Nga và chúng tôi muốn phát triển quan hệ trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (thứ 2, phải) và người đồng cấp Triều Tiên, Choe Son Hui (trái). trong cuộc hội đàm tại thủ đô Moskva, ngày 16/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các chuyên gia, việc Nga và Triều Tiên đẩy mạnh quan hệ song phương được xem là một lựa chọn “tự nhiên” trong bối cảnh cả 2 nước đều phải đối phó với sức ép an ninh cũng như hứng chịu các lệnh trừng phạt đơn phương quy mô lớn của phương Tây. Kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un tháng 9 năm ngoái, hai bên gia tăng các chuyến thăm lẫn nhau. Từ tháng 7 đến tháng 11 năm ngoái, đã có 4 đoàn công tác của Nga đến Triều Tiên, thảo luận hợp tác trong một loạt các lĩnh vực, như: khai thác vàng, thép, đất hiếm, xuất khẩu thịt và ngũ cốc của Nga sang Triều Tiên… Với Nga, việc đẩy mạnh quan hệ với Triều Tiên phù hợp với chiến lược dịch chuyển quan hệ chính trị-kinh tế của Nga sang phía Đông sau khi đổ vỡ quan hệ với phương Tây, trong khi với Triều Tiên, các hợp tác với Nga giúp nâng cao vị thế, đáp ứng các nhu cầu về an ninh, năng lượng và lương thực của quốc gia này. Như tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc hôm 24/01, hai nước phát triển quan hệ một cách phù hợp và tích cực với lợi ích quốc gia của hai bên và không có lí do gì để e ngại sự phản đối từ các quốc gia khác.
Quan ngại từ bên thứ 3
Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Nga-Triều trong thời gian qua đang tạo ra một cục diện địa chính trị mới đáng chú ý. Mỹ cùng 2 đồng minh ở Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc đang ngày càng bày tỏ nhiều quan ngại về các hợp tác giữa Nga và Triều Tiên. Từ cuối năm ngoái, các quan chức chính quyền Mỹ đã công bố các thông tin cho rằng Triều Tiên hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, dù cả Nga và Triều Tiên đều lên tiếng phủ nhận. Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại việc Nga có thể chuyển giao công nghệ quốc phòng tiên tiến cho Triều Tiên, giúp nước này hoàn thiện các chương trình vệ tinh và tên lửa đạn đạo tinh vi hơn. Việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám, đồng thời gia tăng các vụ thử tên lửa trong thời gian qua càng khiến Mỹ-Nhật-Hàn cảnh giác hơn trước kịch bản này. Hôm 18/01, các đặc phái viên của Mỹ-Nhật-Hàn đã họp để thảo luận về tình hình mới, một mặt chỉ trích Triều Tiên, mặt khác phát thông điệp kêu gọi đối thoại. Phó Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, Jung Pak, tuyên bố:“Như chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần, Mỹ không nuôi dưỡng ý định thù địch với Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng gặp Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào, để thảo luận bất kỳ, hoặc tất cả, vấn đề mà cả hai bên cùng quan ngại”