Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều bước phát triển vượt bậc và mở ra nhiều triển vọng mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 7/6 lên đường đến Canada tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Điều này thể hiện rõ sự coi trọng của nước chủ nhà Canada nói riêng và các nước thành viên G7 nói chung đối với tiếng nói và vị thế của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Sau sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiến hành thăm Canada theo lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều bước phát triển vượt bậc và mở ra nhiều triển vọng mới.

Chuyến công du của Thủ tướng diễn ra từ 8 - 10/6. Đây là lần thứ 2 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh mở rộng của 7 nước công nghiệp phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Canada và Italy).

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay diễn ra ngày 9/6, tập trung thảo luận 3 nhóm chủ đề chính: Xây dựng khả năng chống chịu, tính ứng phó của các cộng đồng ven biển; hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương; thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các đại dương.

 Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia giải quyết các thách thức toàn cầu

Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với các nước G7, đã thiết lập khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược với 5 quốc gia và đối tác toàn diện với 2 nước thành viên G7.

Chuyến công du đến Canada lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng với tư cách khách mời. Tại Hội nghị mở rộng lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu khẳng định những nỗ lực và đóng góp quan trọng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề và thách thức toàn cầu, như ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương...

Với Việt Nam, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng còn là cơ hội thể hiện trách nhiệm đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung của khu vực và quốc tế.     Là một trong những quốc gia báo động về môi trường biển và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa biển đến hệ sinh thái, nên tại các phiên họp liên quan đến chủ đề “Đại dương”, Việt Nam sẽ cùng các nước tích cực đưa ra các giải pháp để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch.

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế, nhiều nước trong G7 đều đang triển khai các dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác và tin tưởng rằng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư của các nước G7 sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

 Thúc đẩy quan hệ với Canada

Năm 2018 là một năm đặc biệt ý nghĩa với Việt Nam và Canada, đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 45 năm, hai nước đang duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và ngày càng rộng mở.  Năm 2017, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai bên ra Tuyên bố chung về việc xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đề ra các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác, trong đó có chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ.

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế  - ảnh 1

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. - Ảnh: TTXVN

Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 6,2 tỷ USD. Hiện tại, Canada đang cố gắng mở rộng thương mại với Việt Nam với hy vọng khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đưa vào triển khai, hai nước sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển toàn diện hơn nữa. Phát biểu với báo chí nhân chuyến thăm của Thủ tướng Canada thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá: Thương mại song phương tăng trưởng liên tục trong nhiều năm, mỗi năm khoảng 20%. Đây là một tiến bộ so với các nước khác trong lĩnh vực thương mại đầu tư. Trên tinh thần đó, tôi khẳng định rằng Hiệp định mới giữa Việt Nam và Canada về quan hệ hai nước sẽ mở ra một chương mới toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trên tinh thần Đối tác toàn diện của nhau.  

Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng du học sinh tại Canada lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2017, có hơn 14 nghìn du học sinh Việt Nam đang theo học tại Canada. Phát biểu tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng:      Canada và Việt Nam có mối quan hệ bền chặt theo thời gian và chúng ta đảm bảo rằng giáo dục sẽ luôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Những chính kiến, suy nghĩ và giải pháp của các sinh viên luôn được cộng động và cả thế giới đón nhận.

Trong chuyến thăm Canada lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau; tiếp Thủ hiến bang Quebec; gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Canada; gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Canada.

Chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa thể hiện mong muốn của Việt Nam cùng các quốc gia khác giải quyết các thách thức toàn cầu, là cơ hội củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Canada.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu