Sáng 21/2, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết và triển khai công tác năm của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc nhằm phát huy hiệu quả nhất vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Từ đó, có thể phát huy những lợi thế của từng địa phương, bảo đảm cùng với cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực phía Bắc). Ảnh: TTXVN |
Tại Việt Nam, cơ quan dân cử (cơ quan đại biểu nhân dân, cơ quan đại diện của nhân dân) bao gồm: Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử ở địa phương và là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Chủ động thực hiện tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Năm 2021, Hội đồng nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất và có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất từ trước đến nay với hơn 99% tổng số cử tri đi bầu.
Ngay sau cuộc bầu cử, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ Nhất để xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ, quyết định một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cũng trong năm qua, Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh tổ chức kỳ họp chuyên đề, một số tỉnh đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp để quyết định các nội dung quan trọng gắn với tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và tiếp tục kiện toàn nhân sự.
Thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 nghị quyết, đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đây là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Các nghị quyết được ban hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần tích cực thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Khu vực phía Bắc). Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc. Công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá: “Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong hoàn cảnh hoạt động trong hoàn cảnh hoạt động trong phòng chống dịch và sự bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước nhưng với sự chủ động trách nhiệm cao, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong năm 2021 đã đạt được kết quả rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động cũng như nỗ lực hoạt động Hội đồng nhân dân đã thực hiện tương đối tốt chức năng nhiệm vụ đó là là quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân địa phương”.
Đồng hành vượt qua những khó khăn
Năm 2022, với việc triển khai nhiều quyết sách của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu về thích ứng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 05 năm 2021 – 2025, đòi hỏi Hội đồng nhân dân các cấp chủ động, tích cực thực hiện vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Theo đó, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế, những khó khăn, những bài học kinh nghiệm tốt để có các giải pháp cụ thể nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, chủ động tham gia từ sớm trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp của Hội đồng. Nội dung Nghị quyết khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi cao, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân có vai trò quan trọng trong việc ban hành các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội đồng thời với chức năng giám sát việc thực hiện ở từng tỉnh, thành phố. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới là tiền đề quan trọng để cơ quan dân cử ở địa phương phát huy vai trò, vị thế của mình, góp phần khai thác những thế mạnh của cơ sở, bảo đảm cùng với cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.