Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam bền bỉ trên hành trình đi tìm công lý

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Theo luật pháp quốc tế, hành động này là chiến tranh hóa học, gây hậu quả cho người dân Việt Nam tới tận ngày nay.

Hôm nay, 10/8, tròn 60 năm (10/8/1961 - 10/8/2021) ngày quân đội Mỹ rải chất độc dacam/dioxin xuống tỉnh Kon Tum, mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong thế kỷ XX tại Việt Nam.. 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Những năm qua, tiếng nói của lương tri đòi hỏi công lý cho các nạn nhân đã được cất lên ở nhiều nơi, nhiều diễn đàn. Cuộc đấu tranh để đòi lẽ phải cho các nạn nhân sẽ còn tiếp diễn với sự ủng hộ của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong 10 năm, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong số đó là chất độc da cam, xuống 3,06 triệu ha. Theo luật pháp quốc tế, hành động này là chiến tranh hóa học, gây hậu quả cho người dân Việt Nam tới tận ngày nay.

Vẫn kiên trì trên hành trình đi tìm công lý

Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng một số nạn nhân đại diện kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam/dioxin phải bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Suốt 5 năm sau đó, đơn kiện trình lên 3 cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tòa án tối cao liên bang Mỹ nhưng đều bị từ chối với lý do không có trách nhiệm xem xét. Dù vậy, vụ kiện đã cho dư luận thế giới thấy việc quân đội Mỹ đã tiến hành chiến tranh hóa học với mục đích là sự ngụy biện “chỉ dùng chất diệt cỏ để khai quang”. Tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, nạn nhân của chất độc dacam/dioxin, một mình đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ để đòi lại công bằng cho gần 5 triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Trải qua hơn 10 năm, dù vấp phải nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ cuộc: Thực ra tôi hết bệnh này đến bệnh khác mà đó là bệnh lý đặc trưng cho người bị nhiễm chất độc dacam/dioxin. Nhiều lúc cũng rất căng thẳng nhưng lương tâm mình không cho phép mình ngưng lại và sẽ không nản, đi tới cùng.

Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam bền bỉ trên hành trình đi tìm công lý - ảnh 1

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga ngày càng được dư luận ủng hộ. Ảnh: Collectif Vietnam-Dioxine

Nhằm tiếp thêm sức mạnh cho bà Trần Tố Nga, Công ty Đường Sách TPHCM, NXB Trẻ, Báo Tuổi Trẻ cùng thực hiện dự án “Vụ kiện da cam - Hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam”.

Dự án kéo dài trong năm 2021, gồm các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi sự đồng hành của mọi người đối với vụ kiện da cam kéo dài nhiều năm qua mà bà Trần Tố Nga vẫn kiên trì theo đuổi.

Về phía Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội, chia sẻ: "Hội phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế; yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội đã ra tuyên bố và sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, đồng thời tiếp tục ủng hộ những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam kiện các công ty hóa chất của Mỹ đòi bồi thường thiệt hại".

Sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận quốc tế

Từ lúc bắt đầu hành trình chỉ có một mình nhưng trải qua hơn 10 năm, bà Trần Tố Nga đã có được hàng chục nghìn người trên khắp thế giới ủng hộ. Trong phiên tranh tụng ngày 25/1/2021 tại Pháp, rất đông những người ủng hộ bà Trần Tố Nga đã có mặt tại phòng xét xử, trong đó có cả những chính trị gia Pháp. Bà phát biểu rằng: “Tôi thấy mình được tôn trọng và rất cảm động. Tôi biết mình không đơn độc. Tôi không thể chùn bước”.

Không chỉ trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga mà trong hành trình đi tìm công lý, của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế. Ngay tại nước Mỹ, những người yêu hòa bình, những người Mỹ chân chính đã đứng về phía các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhiều tổ chức quốc tế cũng ủng hộ các nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam.

Năm 2009, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) họp tại Damas, Syria, quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ năm 2004 đến năm 2009, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADJ)  tổ chức Toà án Công luận quốc tế xét xử 37 công ty hoá chất của Mỹ cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

IADJ hiện vẫn đang tiếp tục hỗ trợ những vụ kiện mới. Nhiều diễn đàn vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được các tổ chức quốc tế tiến hành. Một thành viên Phong trào đấu tranh vì môi trường của Pháp (MNLE) chia sẻ: Chất độc da cam được coi như một thảm họa khủng khiếp cho con người và môi trường. Vì vậy, tôi cùng với hiệp hội của tôi là Phong trào đấu tranh vì môi trường, ủng hộ người bạn của chúng ta một cách rất tự nhiên.

Tác hại của chất độc dacam/dioxin tới sức khỏe con người là không thể phủ nhận và hàng chục năm sau ngày bắt đầu rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, phía Mỹ đã tham gia vào Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin, tiến hành tẩy độc sân bay Đà Nẵng cũng như xác định 33 điểm nóng nhiễm độc dioxin ở Việt Nam cần được ưu tiên xử lý.

Từ năm 2019 đến nay, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học đã khảo sát, quyết định đầu tư dự án hỗ trợ 100 nghìn người khuyết tật tại 8 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Bình, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Đồng Nai.

Phía Mỹ đã có những hành động cụ thể mang tính tích cực song còn rất khiêm tốn so với hậu quả mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Những nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam cần phải được bồi thường xứng đáng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu