(VOV5) - Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày 05/3 tới Bỉ, chặng dừng chân thứ 4 trong chuyến công du năm nước thuộc Liên minh châu Âu (Na Uy, Phần Lan, Áo, Bỉ và Italia) bắt đầu từ cuối tuần trước. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Thein Sein nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước phương Tây. Những kết quả đạt được trong các chuyến thăm đã phần nào đáp ứng được mục đích này.
|
Tổng thống Myanmar Thein Sein (phải) và Thủ tướng Na Uy Stoltenberg tại Oslo(ảnh: Reuters) |
Chuyến thăm của ông Thein Sein được coi là bước cụ thể các cơ hội hợp tác mà ông và lãnh đạo 5 quốc gia nói trên đã đề cập trong các cuộc gặp bên lề Hội nghị ASEM 9 tại Vientiane (Lào) cuối năm 2012 và trong các chuyến thăm của quan chức các nước đến Myanmar gần đây. Cụ thể, trong chặng dừng chân đầu tiên tại Na Uy, một trong những nước châu Âu cổ vũ tích cực nhất cho những thay đổi tại Myanmar, hai bên đã đề cập đến viện trợ phát triển, bảo vệ môi trường và hợp tác kinh tế. Trong chuyến thăm Áo, Tổng thống Thein Sein khẳng định nguyên nhân khiến Myanmar thiếu vốn và công nghệ hiện đại là các lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài trong suốt 20 năm qua. Ông kêu gọi đối tác Áo hợp tác về vấn đề này. Lời kêu gọi của ông Thein Sein nhận được sự đồng tình của đối tác khi Tổng thống Áo Heinz Fischer cam kết Chính phủ Áo sẽ luôn ở bên và ủng hộ những nước đạt được tiến trình cải cách. Trong khi đó, trước thềm chuyến thăm Bỉ, nơi mà nguyên thủ Myanmar sẽ hội đàm với những quan chức cao cấp của châu Âu về nhiều chủ đề như nhân quyền, cải cách kinh tế và tiến trình tái lập hòa bình ở phía bắc Myanmar, ông Thein Sein đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với nước này.
Có thể nói, đối với Myanmar, việc xây dựng và củng cố quan hệ với EU mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong bối cảnh Myanmar cần tiềm lực để phát triển sau khi vừa thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Hiện tại, đầu tư của các quốc gia châu Âu tại Myanmar là khoảng 3,5 tỷ USD, một con số khá khiêm tốn. Vì vậy, việc mở rộng hợp tác với phương Tây sẽ mang lại cho Myanmar nguồn vốn, công nghệ và nhất là kỹ năng quản trị để phát triển trong thời gian tới. Ngược lại, lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên, nhân lực dồi dào và một thị trường hầu như còn chưa được khai phá, Myanmar cũng đang trở thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn các nước thành viên EU.
Quan hệ giữa Myanmar và phương Tây bắt đầu khởi sắc sau khi Tổng thống Thein Sein tiến hành những cải cách ấn tượng kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2011. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc chính quyền Myanmar đã trả tự do cho hàng trăm tù nhân, bao gồm nhiều tù chính trị, khuyến khích tự do báo chí, cho phép các nhà hoạt động đối lập tham gia chính trường và mở cửa thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, tháng 4/2012, Liên minh châu Âu đã ngưng tất cả các biện pháp trừng phạt ngoài lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng cam kết cho nước này hơn 100 triệu USD tiền viện trợ phát triển, khai trương Văn phòng đại diện của EU, tại Yangun. Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 9/2012 đã thông qua đề xuất đưa Myanmar trở lại quy chế ưu đãi thương mại, cho phép nước này được hưởng miễn thuế và miễn hạn ngạch khi tiếp cận thị trường châu Âu, bắt đầu từ năm 2013, trong khi Câu lạc bộ Paris đã xóa khoản nợ 6 tỷ USD cho Myanmar.
Nói vậy không có nghĩa quan hệ giữa EU và Myanmar hoàn toàn suôn sẻ, nhất là trong bối cảnh vẫn còn nhiều quan ngại về tình hình trong nước như cuộc xung đột đang diễn ra ở bang phía bắc Kachin và bất ổn giữa Phật giáo - Hồi giáo ở bang miền tây Rakhine.
Tháng 6 năm ngoái, lãnh đạo đối lập của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi thăm châu Âu trong chuyến đi được cho là dấu mốc quan trọng trong tiến trình chính trị của Myanmar. Và chuyến thăm châu Âu hơn 10 ngày lần này của Tổng thống Thein Sein tiếp tục cho thấy thiện chí của Myanmar mong muốn tăng cường hợp tác với lục địa già trong các mối quan hệ cùng có lợi. Chuyến thăm cũng đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa EU và ASEAN mà Myanmar là một thành viên tích cực/.