Nguyên do chính không chỉ bởi chuyến thăm đáng chú ý của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi đến Iran, mà chủ yếu là xuất phát từ chiến dịch gia tăng sức ép đơn phương mới của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo.
Đỉnh điểm của vấn đề là ngày 20/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Trụ sở Liên hợp quốc ở New York để gửi thư yêu cầu Hội đồng bảo an kích hoạt “quy trình đảo ngược” (Snapback) nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Iran với cáo buộc rằng Tehran đã không tuân thủ các cam kết về vấn đề hạt nhân, một bước đi có thể làm sụp đổ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompep trong cuộc họp báo sau cuộc họp HĐBA về trừng phạt quốc tế với Iran ngày 20/08/2020. - Ảnh Reuters
|
“Quy trình đảo ngược” và những nỗ lực đơn phương của Mỹ
“Quy trình đảo ngược” là điều khoản cho phép bất kỳ quốc gia nào trong nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) được quyền đề xuất áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, nếu Tehran không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận. Sau khi nhận được đề nghị chính thức, các thành viên khác trong Hội đồng bảo an có tất cả 10 ngày để đưa ra quyết định. Trường hợp Hội đồng bảo an không thể đưa ra quyết định theo thời hạn này, các lệnh trừng phạt chống Iran sẽ tự động được kích hoạt sau đó 20 ngày, tức 30 ngày kể từ ngày đề nghị chính thức được đưa ra. Theo giới phân tích, kịch bản này là rất dễ xảy ra vì Mỹ đang nắm trong tay quyền phủ quyết, có thể bác bỏ bất kỳ dự thảo nghị quyết nào không theo ý đồ của Washington.
Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên chỉ một tuần sau khi không thể thông qua một nghị quyết nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (hôm 14/8), cho thấy Washington đang rất quyết tâm theo đuổi các biện pháp cứng rắn nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Thế nhưng, các nỗ lực đơn phương của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran, lại đang đi ngược lại quan điểm của hầu hết các quốc gia khác, trong đó có chính các đồng minh của Mỹ.
Phản ứng gay gắt của các nước
Ngay sau động thái đòi kích hoạt “quy trình đảo ngược” của Mỹ, hàng loạt quốc gia đã lập tức lên tiếng phản đối. Trong bức thư ngỏ gửi Hội đồng bảo an cùng ngày 20/8, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các nước thành viên phản đối hành động của Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington không có quyền kích hoạt cơ chế tái áp đặt trừng phạt Iran.
Đặc biệt, 3 quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ là Anh, Đức và Pháp cùng ngày cũng đã ra thông cáo chung khẳng định sẽ không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế "quy trình đảo ngược" vì nước này đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018. Trước đó, các đồng minh châu Âu này cũng là những nước đã phản ứng rất quyết liệt với quyết định rút khỏi JCPOA của Washington. Thực tế này cho thấy Mỹ sẽ rất khó thuyết phục các đồng minh châu Âu hưởng ứng và tham gia các lệnh trừng phạt mới chống Iran ngay cả trong trường hợp “quy trình đảo ngược” được kích hoạt thành công theo ý đồ của Mỹ. Thậm chí, nó còn có thể khiến châu Âu và Iran xích lại gần nhau hơn, làm phá sản kế hoạch cô lập Tehran của Washington, cùng nhiều hệ lụy khó lường khác.
Điều đó lý giải vì sao ngay chính trong nội bộ nước Mỹ cũng có không ít ý kiến phản đối các biện pháp đơn phương mà Washington đang theo đuổi trong vấn đề hạt nhân Iran. Bà Wendy R. Sherman, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cảnh báo rằng Washington có thể làm suy yếu quyền lực của chính mình nếu nhất quyết thách thức các cường quốc khác, bao gồm cả các đồng minh, trong vấn đề hạt nhân Iran.
Bởi vậy, với cục diện hiện nay, nhiều nhà phân tích nhận định, châu Âu và các nước sẽ vẫn duy trì các cuộc đàm phán với Iran nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ không sụp đổ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ vào tháng 11 tới đây, với hy vọng rằng chính sách của Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran sẽ thay đổi theo hướng tích cực sau sự kiện này.