Nước Nga và vai trò giải quyết các điểm nóng trên thế giới

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Bên cạnh hồ sơ nóng vấn đề hạt nhân Iran, Nga còn ngày càng khẳng định vai trò trong một loạt vấn đề lớn khác tại Trung Đông.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và siêu cường Mỹ mất dần vai trò cũng như sức ảnh hưởng tại nhiều điểm nóng trên thế giới, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, nổi lên với vị thế nhà trung gian tin cậy trong nhiều vấn đề nổi cộm toàn cầu.  

Nước Nga và vai trò giải quyết các điểm nóng trên thế giới - ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc họp báo chung ở Moskva, Nga, ngày 11/1/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những hoạt động ngoại giao được dư luận thế giới đặc biệt chú ý những ngày qua là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Đức tại Moscow nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Theo các nhà phân tích, điều đáng quan tâm của sự kiện không chỉ bởi nó giúp phá băng mối quan hệ lạnh nhạt kéo dài nhiều tháng qua giữa phương Tây và Nga, mà còn ở chỗ khẳng định vai trò và vị thế ngày càng tăng của Nga trong một loạt các vấn đề quốc tế. Đến với cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimia Putin ngày 11/1, nhà lãnh đạo Đức, đại diện cho châu Âu, mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong một loạt các vấn đề toàn cầu gồm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, giải quyết vấn đề Syria, cuộc khủng hoảng Libya, xung đột ở miền Đông Ukraine và dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đều là những điểm nóng của thế giới thời gian qua.

Niềm hy vọng về duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran  

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, Tehran nhiều lần tuyên bố và trên thực tế đã thực hiện các bước cắt giảm cam kết, khiến JCPOA đứng bên bờ vực sụp đổ nghiêm trọng. Các quốc gia châu Âu, đứng đầu là Anh, Pháp và Đức, đã thực hiện nhiều nỗ lực cứu vãn văn kiện, song chưa mang lại kết quả khả quan.

Trong khi đó, Nga hiện là một trong số ít quốc gia có quan hệ rất tốt với Iran trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều vấn đề quốc tế. Hơn thế, Moscow còn có quan hệ khá ổn với nhiều quốc gia khác trong khu vực, gồm cả đối tác và đối thủ của Iran. Thực tế này giúp Nga trở thành quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất với Iran trong bối cảnh hiện nay và đó là lý do các quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, tích cực tìm đến Nga. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, Nga có thể đảm bảo chắc chắn việc Iran sẽ tuân thủ thỏa thuận và văn kiện này sẽ tiếp tục được duy trì, xét tới sự phức tạp của vấn đề và cục diện căng thẳng Mỹ-Iran khó đoán định hiện nay. 

“Người chơi lớn” trong cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề Libya

Bên cạnh hồ sơ nóng vấn đề hạt nhân Iran, Nga còn ngày càng khẳng định vai trò trong một loạt vấn đề lớn khác tại Trung Đông, đứng đầu là cuộc khủng hoảng Syria. Kể từ khi quyết định can thiệp vào Syria tháng 9/2015, Nga đã giúp Chính phủ hợp hiến Syria củng cố vững chắc thế trận và đứng vững trước các lực lượng nổi dậy được bên ngoài hậu thuẫn, cũng như đẩy lùi sự bành trướng của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi vai trò của Mỹ tại Syria ngày càng suy giảm, đặc biệt là sau khi Washington quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria tháng 10/2019, thì nước Nga liên tục khẳng định tiếng nói của mình. Mới đây nhất, Nga và Thổ Nhỹ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn quan trọng tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, có hiệu lực từ ngày 9/1.

Còn với cuộc khủng hoảng Libya, Nga và Thổ Nhỹ Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa các bên, mở ra triển vọng chấm dứt các cuộc giao tranh ác liệt bùng phát từ đầu tháng 4/2019 và khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Trong cuộc khủng hoảng Libya, Nga và Thổ Nhỹ Kỳ đang đóng những vai trò khác biệt, nhưng đều có tầm ảnh hưởng lớn. Theo đó, Nga không trực tiếp can thiệp vào Libya như Thổ Nhỹ Kỳ, song lực lượng thân Nga lại đứng về phía Lực lượng quân đội miền Đông (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu, chiến đấu chống lại lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) mà Thổ Nhỹ Kỳ hậu thuẫn. Hiện tại, các cuộc tiếp xúc giữa đại diện cấp cao GNA và LNA đang được tích cực thu xếp tại thủ đô Moscow. 

Ngoài các điểm nóng tại Trung Đông, nước Nga còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình, chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine. Tháng 12/2019, Tổng thống Nga Putin đã có đóng góp to lớn cho thành công của Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy về Ukraine ở Paris (Pháp) với những thỏa thuận tích cực được nhất trí.

Trước chuyến công du Nga của Thủ tướng Merkel, nhiều chính trị gia Đức đánh giá Moscow có vai trò quan trọng trong việc tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ông Omid Nouripour, chính trị gia phụ trách chính sách đối ngoại của đảng Xanh khẳng định: Tổng thống Nga V. Putin là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng rất lớn, dù là trong vấn đề Trung Đông, Libya hay cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu