Mỹ quyết tâm theo đuổi một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Bản chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh Washington tích cực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden mới đây công bố chiến lược mới về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong một phần nỗ lực nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này. Thông điệp từ Mỹ và các nước trong nhóm “Bộ tứ” phản ánh quyết tâm theo đuổi cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế.

Mỹ quyết tâm theo đuổi một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” - ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 12/2/2022. Ảnh: global.chinadaily.com.cn

Bản chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh Washington tích cực gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, mới nhất là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc đảo Thái Bình Dương….

Nội dung chính của bản chiến lược mới

Bản chiến lược dài 12 trang, được Nhà Trắng công bố hôm 11/2, nhấn mạnh cam kết theo đuổi một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thông qua việc xây dựng liên minh mạnh mẽ hơn, tăng cường các quan hệ đối tác mới nổi và đầu tư nhiều hơn vào khu vực. Trong số những hành động dự kiến được tiến hành trong 1-2 năm tới, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Washington sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác.

Việc công bố tài liệu diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ đối với khu vực. Tinh thần vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng được khẳng định rõ nét trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước “Bộ tứ” với sự tham dự của Ngoại trưởng Australia, bà Marise Payne; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken; Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Melbourne (Australia) ngày 11/2.  

Trong tuyên bố chung, nhóm “Bộ tứ” khẳng định quyết tâm tăng cường tham gia sâu rộng với các đối tác trong khu vực, bao gồm thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; đối phó với các thách thức như đánh bắt bất hợp pháp, đồng thời thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển.

Cạnh tranh chiến lược và thách thức đặt ra cho khu vực

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; có 7 trong số 8 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, điển hình là Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Timo Leste, Papua NewGuine và 7 trong số 10 lực lượng quân đội có quy mô lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Australia. Không chỉ vậy, khu vực này là nơi chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về địa chiến lược, về các nguồn tài nguyên thiên nhiên.., nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành điểm nóng. Do vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng của khu vực, các cường quốc thế giới đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích tại đây.

Việc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một phần trong những nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này xuất phát từ vai trò quan trọng về địa kinh tế và địa chính trị. Cùng với đó, thời gian qua, hàng loạt mối đe dọa xuất hiện thời gian qua như đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, các hiểm họa an ninh tiềm ẩn, cạnh tranh lợi ích chiến lược... cũng khiến vai trò của khu vực này cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ở góc độ tích cực, giới chuyên gia cho rằng, các cường quốc thế giới đang từng bước củng cố hợp tác đa phương để tạo ra sức mạnh tập thể lớn, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cũng như mở ra những cơ hội để củng cố vững chắc hơn hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực. Tuy nhiên, những thay đổi chiến lược này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với hầu hết các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kể cả những nước nhỏ, đang phát triển. Bởi vậy, khi tham gia hợp tác khu vực cần có chiến lược phù hợp để tận dụng các cơ hội và bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, không bị rơi vào vòng xoáy tranh đua lợi ích giữa các cường quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu