Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang ở rất gần

Lê Phương (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế cũng đã có những nhận định lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2024 ước đạt 7,4% và 9 tháng năm 2024 khoảng 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão Yagi đầu tháng 9 vừa qua.

Trong đó, mức tăng GDP 9 tháng năm 2024 (6,82%) là mức tăng khá cao so với mức tăng GDP cùng kỳ 2023 (4,4%). Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, địa phương, doanh nghiệp và người dân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ở mức 6,5 - 7% đang ở rất gần.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang ở rất gần - ảnh 1Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 7% như đã đề ra, trong quý IV/2024, Việt Nam cần đạt mức tăng 7,5%. Việc quý III/2024 tăng trưởng khả quan, cao hơn dự báo, cùng với đó là nhận định tích cực của các chuyên gia về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, là những yếu tổ thuận lợi, tạo đà cho quý IV/2024.

Nhiều dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Nhờ đó, kinh tế - xã hội tại các địa phương chịu ảnh hưởng đã phục hồi nhanh sau thiên tai, tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch COVID-19 với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 8,34%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 299 tỷ USD; các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/09 đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang ở rất gần - ảnh 2Chế biến cá ngừ đại dương đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cùng với đó, tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tình hình tài chính – ngân sách được cải thiện rõ nét, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, đổi mới sáng tạo tăng trưởng mạnh mẽ, an sinh xã hội và các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế đạt kết quả tốt. Bà Phí Thị Phương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, đánh giá: “Bão Yagi gây ảnh hưởng đối với các địa phương phía Bắc, trong đó có 1 số địa phương là trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã chủ động có những phương án để thích ứng với điều kiện sản xuất khó khăn trong tháng 9 với việc tổ chức lại sản xuất, tăng ca để đảm bảo kịp đơn hàng đã ký kết với các đối tác.”

Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang ở rất gần - ảnh 3Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP

Với những kết quả tăng trưởng tích cực Việt Nam đã đạt được trong quý III/2024 và 9 tháng qua, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Theo kết quả quý III và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục báo cáo với Thủ tướng và với Chính phủ vẫn giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7 % cả năm. Và nếu có điều kiện, có thể phấn đấu cao hơn 7%. “

Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế cũng đã có những nhận định lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam và đưa ra dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng. Theo đó, tổ chức xếp hạng Fitch Ratings (Mỹ) dự báo kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 6-7% trong trung hạn nhờ dòng vốn FDI tăng mạnh. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực. Còn Bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mức 6,4%.

Nỗ lực phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra

Mặc dù có nhiều tín hiệu tăng trưởng khả quan, nhưng để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần sự nỗ lực chung của toàn xã hội, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm đang ở rất gần - ảnh 4Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2024 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương tháng 9, hôm 07/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: “Tập trung chỉ đạo ưu tiên cho tăng trưởng, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác phải phối hợp hài hòa, hiệu quả và kịp thời; nhất là chính sách tiền tệ phải chủ động, tích cực, kịp thời; chính sách tài khóa phải mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng truyền thống là: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới. Không để thiếu điện, thiếu xăng dầu, thiếu thuốc, thiếu các vật tư cho đầu vào sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Phải kiến tạo không gian phát triển, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên cho tăng trưởng. Đẩy mạnh đầu tư công để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân. Hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho các hộ bị mất chỗ ở do thiên tai gây ra. Và đặc biệt là khắc phục hậu quả của bão lũ vừa qua.”

Việt Nam còn 3 tháng cuối năm để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Những tháng trước đó, Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo, quyết sách kịp thời, nhất là các chính sách ổn định kinh tế - xã hội sau bão Yagi. Đây là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam tin tưởng vào một kết quả tăng trưởng tích cực của cả năm 2024.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu