Một trang mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Tanzania, Mozambig và Iran

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Cộng hòa Mozambig và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 9 đến 15/3.

(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Cộng hòa Mozambig và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 9 đến 15/3. Chuyến thăm nhằm khẳng định mong muốn của Việt Nam tạo một bước chuyển mới, thực chất và hiệu quả hơn, trong quan hệ với Tanzania, Mozambig và Iran. 

Một trang mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Tanzania, Mozambig và Iran - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang


Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2016, nhằm trao đổi các biện pháp thiết thực và cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với 3 quốc gia này.


Tăng cường hợp tác với Tanzania và Mozambig


Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi kéo dài 6 ngày của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Cộng hòa Thống nhất Tanzania nằm ở bờ biển phía đông châu Phi. Tanzania có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và hiện là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi. Việt Nam có truyền thống hữu nghị tốt đẹp với Tanzania. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày từ tháng 2/1965. Hai nước Việt Nam và Tanzania có quan hệ hợp tác kinh tế trên một số lĩnh vực và đang có chiều hướng phát triển mạnh. Về nông nghiệp, thủy sản, Tanzania mong muốn Việt Nam cử chuyên gia, kỹ thuật viên và nông dân sang giúp Tanzania, đồng thời mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực máy nông nghiệp nhỏ và sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho Tanzania và thị trường 5 nước Đông Phi. Kim ngạch thương mại song phương trong giai đoạn 2010-2013 đạt hơn 100 triệu USD/năm. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 204 triệu USD (trong đó Việt Nam xuất 64 triệu USD). Về đầu tư, tháng 9/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hoàn tất đàm phán thành lập liên doanh hợp tác về viễn thông Viettel Tanzania với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 700 triệu USD, đã được cấp phép triển khai xây dựng và vận hành mạng viễn thông 3G tại Tanzania. Ngày 15-10-2015, mạng Halotel của Viettel chính thức khai trương ở Tanzania.


Rời Tanzania, Chủ tịch nước Trương Tấn sẽ thăm cấp nhà nước Cộng hòa Mozambig trong 2 ngày 11, 12/3. Nằm ở phía đông nam châu Phi, Mozambig có nền kinh tế với nông sản chính là bông, hạt điều, ngũ cốc, cùi dừa, chè, sắn, mía, lạc. Việt Nam và Mozambig có quan hệ truyền thống tốt đẹp từ thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 25/6/1975. Về hợp tác thương mại, từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mozambig tăng hơn 3 lần (từ khoảng 14 triệu USD lên hơn 45 triệu USD). Trao đổi thương mại tăng đều. Năm 2015, kinh ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 66 triệu USD. Về đầu tư, hiện Việt Nam có tập đoàn Viettel và Hapro đang đầu tư tại Mozambig trong lĩnh vực viễn thông và thương mại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Mozambig có nhiều dự án hợp tác song phương, ba bên, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản.


Đẩy mạnh hợp tác với Cộng hòa Hồi giáo Iran


Quốc gia cuối cùng mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm là Cộng hòa Hồi giáo Iran. Quốc gia Trung Đông này là nơi phát sinh nền văn minh Ba Tư rực rỡ, với những công trình văn hóa, kiến trúc cổ đại vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran vào tháng 7/2015 và chính thức triển khai thỏa thuận từ đầu năm nay, quan hệ giữa Iran với nhóm các cường quốc trong nhóm P5+1 cải thiện rõ rệt. Liên hợp quốc, Hoa Kỳ và các nước phương Tây dần gỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Iran. Nền kinh tế Iran đang từng bước khôi phục, tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 2%, là nền kinh tế đứng thứ 29 thế giới.


Việt Nam và Iran có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Năm 1991, Iran mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Năm 1997, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tehran. Tháng 9/2009, Hội hữu nghị Việt Nam - Iran được thành lập. Hai nước đã tổ chức 6 kỳ họp tham vấn chính trị và 8 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hai bên. Hai nước Việt Nam và Iran cũng đã có những hợp tác bước đầu về kinh tế, hứa hẹn sẽ có những phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2015 đạt hơn 106 triệu USD. Hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó có các chuyến thăm Iran của Chủ tịch nước Lê Đức Anh năm 1994, Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1999, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2000 và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2014. Tổng thống Iran M.Amadinejat năm 2012, Chủ tịch Quốc hội A.Natech năm 1998 cũng đã có chuyến thăm Việt Nam.


Trên nền tảng của các mối quan hệ này, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Cộng hòa Mozambig và Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhằm triển khai chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam, thảo luận những biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trên các mặt, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước. Chuyến thăm sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước Tanzania, Mozambig, Iran. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu