Một năm thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) cũng là một nỗ lực rất lớn trong một năm qua của cộng đồng quốc tế.

Cách đây một năm, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Từ thời điểm đó, COVID-19 đã làm người dân cả thế giới chuyển trạng thái trong thói quen sinh hoạt. COVID-19 đã tấn công mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu.

Một năm qua, cụm từ “đại dịch” phủ sóng trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dịch bùng phát và lây lan với tốc độ chóng mặt. Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 gây nên dịch COVID-19 đã nhanh chóng lây lan, xuất hiện ở hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ và đến thời điểm này đã khiến hơn 118,5 triêu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 2,6 triệu người. COVID-19 không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch.

 Thế giới chưa một ngày bình yên

Ngày 30/1/2020, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu và sau đó xác nhận đây là "đại dịch toàn cầu" vào ngày 11/3/2020. Ở thời điểm đó, việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại và mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.

Một năm thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19 - ảnh 1Lính cứu hỏa tập trung để chuẩn bị cho công việc khử trùng tại ga xe lửa Vũ Hán ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, vào 24/3/2020. Ảnh: Xinhua

Từ thời điểm WHO công bố đại dịch, thế giới vẫn chưa được một ngày bình yên. Con virus SARS-CoV-2 tuy bé nhỏ nhưng lại biến ảo vô cùng khó lường. Trong 12 tháng qua, đã có lúc dịch có dấu hiệu lắng xuống ở nhiều quốc gia, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại. Rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai, thậm chí thứ ba, gia tăng đến chóng mặt.

 Tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống-xã hội toàn cầu

COVID-19 đã tấn công mọi ngóc ngách, làm đảo lộn đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu. Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do COVID-19 mang lại trong năm qua, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ khóa “lockdown” (nghĩa là phong tỏa hoặc đóng cửa) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020. Từ khóa này đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi dịch COVID-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch.

Một năm thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19 - ảnh 2Một ngôi trường ở Benishangul-Gumuz, Ethiopia. Nguồn: WHO

Ngoài việc khiến cuộc sống của người đảo lộn và tê liệt trong một năm qua, đại dịch COVID-19 xuất hiện còn khiến các dự định, mục tiêu lớn của thế giới trong năm qua bị thay đổi. Nếu như vào đầu năm 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã từng tuyên bố về 4 mục tiêu lớn quyết tâm giải quyết trong năm 2020. Đó là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác. Đại dịch COVID-19 ập đến đã khiến các mục tiêu này không thể thực hiện, thậm chí nhiều thành quả mà Liên hợp quốc đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói. COVID-19 đã tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên. Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm. Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 30.

 Thế giới chung một chiến tuyến chống COVID-19

Một năm trôi qua, COVID-19 đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân trên thế giới. Nhưng trong khó khăn đã chứng kiến tinh thần đoàn kết quốc tế, các nước trên thế giới cam kết mạnh mẽ trong hợp tác và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau đối phó với COVID-19. Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) cũng là một nỗ lực rất lớn trong một năm qua của cộng đồng quốc tế. COVAX được xem như "cứu tinh" của các nước nghèo trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Những cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước nhằm đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng đã thắp sáng hy vọng, rằng mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều được hưởng lợi ích từ những thành tựu phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19 mà thế giới đã nỗ lực chạy đua với thời gian để tìm ra. Điều này đang là động lực tạo ra tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu