Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách để phát huy nguồn lực

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Luật đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản.

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 18/1. Kết quả này có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, bảo vệ môi trường của Việt Nam. Luật khi được thực thi có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời đánh dấu việc Quốc hội khóa XV đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ.

Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách để phát huy nguồn lực - ảnh 1Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh minh hoạ: quochoi.vn

Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, được thông qua với 432/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,63% tổng số đại biểu).

Đổi mới chính sách đất đai để phát huy được nguồn lực

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Luật đất đai là dự án luật rất khó và phức tạp. Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp,  2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 Phiên họp chính thức của Ủy ban thường vụ Quốc hội, và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân: “Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả”.

Việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) đã tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Khi được triển khai trên thực tế, Luật sẽ tạo đà tăng trưởng, tháo gỡ vướng mắc, "rào cản" để khôi phục thị trường bất động sản đã và đang bị đình trệ. Việc thông qua Luật này cũng quyết định cơ chế định giá đất, giúp huy động các nguồn lực của xã hội trong xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế hợp tác công tư; hay việc đấu thầu, đấu giá đất để chuyển đổi mục đích, phục vụ cho chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn Hải Phòng, cho rằng: “Luật được thông qua tạo ra sự phấn khởi đầu năm mới, đặc biệt là các dự án, các chương trình. Thứ hai là tạo cơ hội cho Chính phủ điều hành dễ dàng hơn, làm sao giảm thiểu được tối đa sự tác động về xã hội, tác động về môi trường để Việt Nam đạt được những mục tiêu chính, để có được quỹ đất sạch, chất lượng, sử dụng lâu dài”.

Ngoài ra, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung cơ bản của chính sách dân tộc. Luật Đất đai (sửa đổi) đã có bước tiến rõ rệt trong quy định về đất đai cho đồng bào thiểu số với nhiều chính sách mới, đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tạo sinh kế ngày càng tốt hơn cho đồng bào.

Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng

Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 được chính thức khởi động cách đây gần 4 năm, từ tháng 8/2020 khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật.

Trong quá trình soạn thảo, việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu tiên quyết. Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các mục tiêu tổng quát, các nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao". 

Nhiều nội dung mới được sửa đổi, như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường…

Luật cũng đã hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng...Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ.

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Việc luật có những nội dung đột phá trong cơ chế quản lý sẽ giúp khai thông các nguồn lực phục vụ sự phát triển của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu