Lấy phiếu tín nhiệm – Thước đo năng lực và hiệu quả công việc

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được dư luận, cử tri cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. 

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, trong hai ngày 24-25/10, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm – Thước đo năng lực và hiệu quả công việc - ảnh 1 Một số chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm

Đây là lần thứ ba Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và cũng là lần lấy phiếu đánh giá tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ khoá XIV. Theo đó tại kỳ họp này, có 50 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên do hai chức danh là Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông mới được bầu nên tại lần bỏ phiếu này, 48 chức danh còn lại sẽ được lấy phiếu gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ...

Tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được dư luận, cử tri cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước: Việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ. Nếu đã đi được nửa chặng đường mà không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đây là cơ hội để nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi. Những người lãnh đạo được bỏ phiếu sẽ ý thức rằng họ sẽ phải cố gắng rất nhiều lần so với những người khác, từ cách nói, cách làm và cách nghĩ cùng những vấn đề liên quan đến công việc, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ”.

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm

Hai lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và 2014 cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy tác dụng tốt, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động người lấy phiếu. Một điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu phải báo cáo về việc tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng: “Tỷ lệ phần trăm phiếu đánh giá tín nhiệm sẽ thể hiện được năng lực, phẩm chất đạo đức và vị trí uy tín của chức danh mà đại biểu đang giữ đạt đến như thế nào. Đây như một thang điểm để đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức và khả năng điều hành nhiệm vụ của đại biểu đang được Quốc hội tín nhiệm. Việc đánh giá này giúp cho người được bầu thấy mình đến tầm nào, cần khắc phục những điểm gì để vươn lên trong thời gian sắp tới cũng là mức để xác định trong quy hoạch đào tạo sắp tới, nếu đại biểu còn đủ tuổi sẽ được bổ nhiệm hay bổ nhiệm vị trí cao hơn hay không, đây cũng là cơ sở để Ban chấp hành Trung ương trong Đại hội tới quy hoạch vị trí của người đó hay không”.

Thông qua các lá phiếu, các đại biểu – người đại diện cho cử tri cả nước sẽ nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về hiệu quả hoạt động của những vị được lấy phiếu mang lại tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế chưa giải quyết được.

 Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: Thông tin từ cử tri cả nước là cơ sở quan trọng để bỏ phiếu tín nhiệm các vị lãnh đạo được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó: “Chúng tôi đã nhận được các báo cáo của những đại biểu được bỏ phiếu tín nhiệm, bản thân chúng tôi đã nghiên cứu. Một điều nữa chúng tôi quan tâm là những họat động của những người được bỏ phiếu tín nhiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay trong những vấn đề Quốc hội, cử tri quan tâm cùng những lời hứa của đại biểu đối với cử tri và Quốc hội đã làm được gì và những việc chưa làm được. Chúng tôi cũng lắng nghe các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh những vấn đề liên quan đến những đại biểu được bỏ phiếu tín nhiệm, từ đó chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu và bỏ phiếu tín nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm”.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nâng cao hiệu quả công việc để phục vụ nhân dân cũng như xây dựng đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu