Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bế mạc hôm cuối tuần qua (29/06), tại Hà Nội, sau 27,5 ngày làm việc. Các nội dung được đề cập tại kỳ họp lần này đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới, cũng như bám sát thực tiễn cuộc sống, được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đánh giá cao.
hủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn |
Kỳ họp đã xem xét, quyết định và hoàn thành nhiều nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hoàn thiện công tác nhân sự cấp cao, kiện toàn bộ máy lãnh đạo
Ngay trong 2 ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã dành thời gian cho công tác nhân sự. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Trần Thanh Mẫn; thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Tô Lâm. Quốc hội cũng tiến hành bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng – An ninh; đồng thời, tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu quốc hội. Với việc kiện toàn các chức danh, bộ máy nhân sự mới dần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Đại biểu Tạ Văn Hạ, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi, thông qua kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội với số phiếu 100% đại biểu có mặt tại hội trường tán thành. Điều này thể hiện ý chí, trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội không chỉ với các vị lãnh đạo được bầu, mà còn là trách nhiệm làm sao để hợp với ý Đảng, lòng dân trong việc bầu ra nhân sự quan trọng để điều hành đất nước”.
Làm tốt công tác lập pháp
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV được các đại biểu đánh giá là kỳ họp đổi mới, linh hoạt của Quốc hội, đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là công tác lập pháp. Đây cũng là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc Quốc hội đã thông qua 11 Luật, 21 Nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng thảo luận, lần đầu cho ý kiến 11 dự án Luật khác liên quan đến các vấn đề được xã hội quan tâm.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội cho phép 4 luật, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua tại các kỳ họp trước, có hiệu lực sớm hơn, từ ngày 01/08/2024 thay vì ngày 01/01/2025. Một số chính sách cũng được Quốc hội thông qua kịp thời, có tác động ngay lập tức, như: việc kéo dài chính sách giảm thuế 2% trong 6 tháng cuối năm, cải cách tiền lương…
Điều này thể hiện sự linh hoạt của Quốc hội trong việc mạnh dạn thay đổi để đáp ứng yêu cầu cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đồng thời, những vấn đề được Quốc hội quyết định đã tiếp tục khẳng định tinh thần đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm của mọi quyết sách. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Cầm, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Điều tôi ấn tượng đó là đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất nhiều, tuy nhiên, sự sắp xếp chương trình cũng như thời gian rất hợp lý. Có những dự án luật được thông qua với tỷ lệ 100%, qua đó cũng thể hiện sự chuẩn bị kỹ càng từ phía Chính phủ, cũng như vai trò thẩm tra của các Ủy ban, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đến khi biểu quyết đã tạo được sự nhất trí, đồng thuận rất lớn. Chúng tôi rất kỳ vọng những quyết sách quan trọng đã được thông qua, những dự án Luật có tầm quan trọng lớn, cùng với đó là những vấn đề cử tri, nhân dân rất quan tâm, như: vấn đề cải cách tiền lương, chế độ trợ cấp, chế độ hỗ trợ… sớm đi vào cuộc sống”.
Quốc hội thể hiện sự tích cực và trách nhiệm trong vấn đề quốc tế
Trong chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngoài những nội dung liên quan tới các vấn đề trong nước, Quốc hội Việt Nam còn thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh: “Việc Quốc hội khóa XV phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Các đại biểu Quốc hội tin tưởng cùng với sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và Bộ ngành, cơ quan liên quan, các chính sách sẽ sớm đi vào cuộc sống, qua đó, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của đất nước và cả nhiệm kỳ 2021- 2026.