Sau 18 ngày họp, đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã kết thúc vào cuối tuần qua với nhiều kết quả nổi bật, được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Những kết quả của đợt 1 Kỳ họp này tạo điều kiện để Quốc hội hoàn thành nội dung chương trình đề ra, cả về lập pháp, các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/5 - 8/6, đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước, như: kiện toàn công tác nhân sự, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn đi thẳng vào các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, thảo luận và cho ý kiến về hàng chục dự án luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn |
Kiện toàn công tác nhân sự
Những ngày làm việc đầu tiên đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự.
Với việc xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; phê chuẩn Phó Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã phê chuẩn miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là dấu ấn nổi bật nhất của đợt 1 kỳ họp này, được đông đảo người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhận xét: "Tất cả dự kiến vị trí chức danh nhân sự đều đã được tiến hành thực hiện thành công, chiếm tỷ lệ phiếu tập trung. Điều đó thể hiện rõ sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội. Thứ hai, điều đó chứng tỏ rằng khi nhân sự được chọn lựa đưa vào bầu, phê chuẩn hay bầu cử, sát thực chất, kể cả về trình độ, về phẩm chất đạo đức, về năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm của những nhân sự được lựa chọn."
Nhiều đại biểu khẳng định việc kịp thời kiện toàn nhân sự chủ chốt của đất nước sẽ góp phần giúp đất nước tiếp tục ổn định, phát triển bền vững.
Trong đợt làm việc đầu tiên của Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm nay. Các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá và các mặt hàng thiết yếu; cải thiện thị trường tiền tệ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm, tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Trả lời chất vấn thẳng thắn
Một trong những điểm nhấn của đợt 1, Kỳ họp thứ 7 là các phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi. Trong từng lĩnh vực, một số nhóm vấn đề chính cũng đã được lựa chọn để đưa ra bàn thảo.
Tại các phiên chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn và 31 lượt đại biểu tranh luận. Người đứng đầu 4 ngành liên quan đến các lĩnh vực chất vấn cùng Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, đã giải đáp cơ bản các vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội nêu. Bà Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, bày tỏ:
"Chúng tôi đánh giá cao việc trả lời chất vấn của 4 Bộ trưởng và của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Các câu trả lời chất vấn đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng phạm vi. Các câu hỏi cũng trực diện, thẳng thắn và đặc biệt là có những bộ trưởng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, nhưng cũng nắm rất chắc vấn đề, trả lời đúng trọng tâm trọng điểm, đưa ra được nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề mà các đại biểu quốc hội đã nêu."
Vai trò điều hành của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng góp phần làm nên hiệu quả của kỳ chất vấn lần này, khi một số nội dung chất vấn khó, phức tạp, cùng lúc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu phối hợp làm rõ, đi tới tận cùng để giải trình được kỹ và tốt hơn.
Trong đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng đã thảo luận kỹ về 14 dự án luật và các báo cáo giám sát. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều phát biểu tập trung, cụ thể, với đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật.
Ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: "Các ý kiến tham gia của các đại biểu quốc hội là rất trách nhiệm, có sự chuẩn bị rất kỹ, rất sâu và bày tỏ được chính kiến của mình. Qua đó thấy rằng các đại biểu quốc hội đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cũng như nắm bắt được tình hình thực tiễn hiện nay để thảo luận một cách thiết thực và hiệu quả."
Tại đợt 1 của Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Anh và Bắc Ireland. Thảo luận tại Hội trường về nội dung này, các đại biểu đánh giá việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với Việt Nam và nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn văn kiện ngay tại Kỳ họp này với số phiếu đồng thuận cao.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch công tác quan trọng. Vì vậy, những kết quả đã đạt được trong chương trình nghị sự tại đợt 1, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đã góp phần đặt nền móng cho thành công của cả Kỳ họp, từ đó đề ra những quyết sách, thể chế mang tính đột phá, góp phần hoàn thành với kết quả cao nhất các hoạt động của Quốc hội trên công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.