Qua nửa đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam có kết quả tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái trong nhiều lĩnh vực.
Bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng qua ghi nhận nhiều điểm sáng. Trong đó phải kể đến việc Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 7, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn các Luật sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Tổ chức tín dụng 2024...
Bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng qua ghi nhận nhiều điểm sáng. Ảnh minh họa: baodautu.vn |
Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực
Nền kinh tế Việt Nam 7 tháng qua ghi nhận xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, năm nay tốt hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực: nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60/63 địa phương, ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6; xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu hơn 14 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7 đạt 54,7 điểm, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh: "Từ những chỉ số đó có thể thấy rằng sản xuất công nghiệp hiện nay đang phục hồi rất mạnh so với năm 2023, đang có đà tăng trưởng rất tích cực. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt của nền kinh tế. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực, sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận những thị trường mới thời gian tới".
Việc kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận các chỉ số tích cực giúp đem lại triển vọng khả quan trong nửa cuối năm nay và trong dài hạn. Nhiều tổ chức, định chế tài chính và chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, ADB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6%; Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng 6,3%; HSBC dự báo tăng 6,5%... Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi, 70% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cho biết họ đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của mình với những mô hình, hoạt động kinh doanh mới. Nửa đầu năm nay, số dự án cấp mới giảm 20%, nhưng số tiền đầu tư của các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm ở đây lại có xu hướng tăng lên".
Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: baochinhphu.vn |
Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, từ trung ương đến địa phương đã xác định huy động mọi nguồn lực để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Các giải pháp cụ thể là: đẩy mạnh tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có các động lực truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh hơn nữa các động lực mới là tăng trưởng xanh, tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… Huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược, thể chế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, qua đó, góp phần củng cố, tăng cường vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra hôm 05/08, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 8, từ nay đến cuối năm và thời gian tới: "Mục tiêu của chúng ta không thay đổi, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong giới hạn Quốc hội cho phép, tăng trưởng phải thúc đẩy mạnh hơn, các cân đối lớn phải đảm bảo, có thặng dự cao hơn; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách phải kiểm soát tốt. Vấn đề thứ hai, chúng ta phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Muốn làm được mục tiêu này thì tháng sau phải tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, năm 2024 thành quả thu được phải nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023".
Việt Nam đã bước vào quý III/2024. Đây được xem là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024. Sự phát triển tích cực của kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần giúp nền kinh tế vươn tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5% trong năm nay.