Khủng hoảng ngoại giao khi Mỹ đơn phương áp đặt trừng phạt Iran

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -  Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống trong khi toàn bộ 11 thành viên còn lại đều bỏ phiếu trắng.

 Ngày 20/8, Mỹ chính thức đệ trình đơn khiếu nại lên Hội đồng bảo an LHQ về việc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, bước tiếp theo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ đơn phương kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo. Đây là động thái được cho là nguy hiểm, có thể đặt dấu chấm hết cho Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với nhóm P5+1 (JCPOA), đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.

Đơn khiếu nại về việc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York ngày 20/8, dù nước này đã rút khỏi vào năm 2018. Đây là bước đi pháp lý đầu tiên của Mỹ trong nỗ lực kích hoạt cơ chế khôi phục trừng phạt chống Iran.

Những nỗ lực đơn phương

Điều khoản quy định về thời hạn ngừng cấm vận vũ khí đối với Iran đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra trong Nghị quyết 2231 về việc ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo điều khoản này, lệnh cấm vận của Liên hợp quốc kéo dài 13 năm, trong đó cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí và cấm các quốc gia bán vũ khí thông thường cho nước này. Lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Do đó, giới chức Mỹ đã xây dựng một dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài vô thời hạn các lệnh cấm vận này, thay thế cho nghị quyết cũ. 

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy Washington không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, ngoài 1 lá phiếu ủng hộ duy nhất của Cộng hòa Dominica. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống trong khi toàn bộ 11 thành viên còn lại đều bỏ phiếu trắng. Trước kết quả này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran bằng cách sử dụng điều khoản “lùi” trong JCPOA.

Khủng hoảng ngoại giao khi Mỹ đơn phương áp đặt trừng phạt Iran - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) 

Theo nhiều chuyên gia, dù Mỹ đã rút khỏi JCPOA từ 2018 nhưng quốc gia này vẫn có cơ sở pháp lý để kéo dài lệnh cấm Iran. Bởi theo nghị quyết, những bên tham gia có thể đơn phương tố cáo một bên ký kết khác không tôn trọng các cam kết. Trên thực tế, Mỹ ngày càng gây sức ép lên Iran. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ gây ra những rạn nứt khó hàn gắn với các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Các đồng minh Châu Âu thẳng thắn cho rằng dù Mỹ đã bóp cò súng, song không có nghĩa là đạn sẽ được bắn ra và Mỹ muốn không có nghĩa là cộng đồng quốc tế cũng phải làm tương tự.

Dấu chấm hết cho thỏa thuận hạt nhân?

Tuyên bố kích hoạt điều khoản khôi phục toàn bộ các lệnh cấm vận Iran, Mỹ muốn ngăn chặn hoàn toàn việc Iran mua sắm những vũ khí tối tân sau khi kết thúc lệnh cấm vận. Nhưng, thực tế, điều này lại càng khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn có giữa Washington và Tehran. Không chỉ gọi thất bại của Mỹ tại Hội đồng bảo an LHQ là chiến thắng chính trị cho Iran và sự thất bại pháp lý, chính trị đối với nước Mỹ, quốc gia Hồi giáo này còn gia tăng hành động khiêu khích. Bất chấp yêu cầu của Mỹ rằng Iran cần dừng chương trình tên lửa của mình, Iran ngày 21/8 trình làng một tên lửa đạn đạo đất đối đất mới, có tầm bắn 1.400 km và một tên lửa hành trình mới. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sức mạnh phòng vệ của Iran sẽ mang lợi ích cho các đồng minh.

Động thái của Mỹ cũng gây tranh cãi trong những ngày qua. Việc Mỹ cảnh báo sẽ đơn phương trừng phạt Iran được giới phân tích cho rằng sẽ đẩy HĐBA vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất từ trước đến nay, có thể "giết chết" thỏa thuận hạt nhân. Động thái mới của chính quyền Donald Trump được cho là sẽ càng làm gia tăng hố sâu ngăn cách giữa Mỹ với các đồng minh phương Tây vốn vẫn tiếp tục ủng hộ thực thi thỏa thuận JCPOA.

Trước những diễn biến căng thẳng hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tổ chức một hội nghị về Iran nhằm tránh leo thang căng thẳng tại vùng Vịnh. Hiện chưa rõ những nỗ lực ngoại giao gấp rút có tác dụng hay không khi chỉ còn khoảng gần 2 tháng nữa là lệnh cấm vận vũ khí với Iran hết hiệu lực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu