Khủng hoảng chính trị tại Syria: Bước ngoặt nuôi hy vọng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Đặc phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL), cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã có được thành công bước đầu trong nỗ lực của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm nay tại Syria. Đó là sự đồng ý của chính quyền Damascus, ngày 27/3, vào kế hoạch 6 điểm mà ông K. Annan đề xuất nhằm chấp dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Đây được xem là bước ngoặt nuôi hy vọng tìm ra lối thoát trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

(VOV5)- Đặc phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL), cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã có được thành công bước đầu trong nỗ lực của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm nay tại Syria. Đó là sự đồng ý của chính quyền Damascus, ngày 27/3, vào kế hoạch 6 điểm mà ông K. Annan đề xuất nhằm chấp dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Đây được xem là bước ngoặt nuôi hy vọng tìm ra lối thoát trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

Khủng hoảng chính trị tại Syria: Bước ngoặt nuôi hy vọng - ảnh 1
Hội đồng Bảo an đã tìm được tiếng nói chung dù là nhỏ trong vấn đề Syria (Ảnh: Reuters)

Sự kiện này được xem là bước đột phá ngoại giao, bởi trước đó, lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến đẫm máu và quy mô lớn hơn đã gần kề. Trước khi lên đường tới Seoul (Hàn Quốc) dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, ngày 25/3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cho rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng của Syria. Và những gì đang diễn ra, dư luận cho rằng, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã biết tận dụng cơ hội, hạ nhiệt sức nóng đang ở mức cực đại.

Theo kế hoạch của ông K. Annan, xung đột giữa các bên phải chấm dứt và do Liên hợp quốc giám sát; các lực lượng Chính phủ Syria sẽ rút quân và vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố diễn ra biểu tình; ngừng giao tranh ít nhất hai giờ mỗi ngày để viện trợ nhân đạo đến được các khu vực bị ảnh hưởng, trả tự do cho những người bị bắt giữ trong cuộc xung đột một năm qua; tiến tới đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập. Đề xuất này không đặt ra thời hạn nào cho chính quyền Syria thực hiện các yêu cầu đó, cũng như không kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Đây được xem là điểm khác biệt hoàn toàn so với các yêu cầu trước đó của giới chức phương Tây. Theo ông K. Annan, chỉ người dân Syria mới có thể quyết định số phận Tổng thống Bashar al-Assad. Vấn đề hiện nay là các bên đối lập phải tiến hành đàm phán để chấm dứt xung đột. Đó sẽ là “chìa khóa dẫn tới hòa bình" không chỉ đối với nhân dân Syria mà đối với toàn khu vực và cộng đồng quốc tế. Với đề xuất này, phe đối lập ở Syria cũng đã có những động thái tích cực. Ngày 27/3, tất cả các phe phái đối lập ở nước này đã nhất trí cử Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) làm đại diện của họ và kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad rút các xe tăng để thể hiện ông nghiêm túc muốn có hòa bình. Tuyên bố được đọc trước báo giới vào lúc kết thúc hội nghị các phe phái đối lập diễn ra trong hai ngày (26, 27/3) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngay sau quyết định này của Syria, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng tích cực. Trong phản ứng của mình, Mỹ kêu gọi Syria "sớm biến lời nói thành hành động". Người phát ngôn Nhà Trắng Victoria Nuland đánh giá quyết định của chính quyền Syria là "một bước tiến quan trọng". Tại London, Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá, việc ông Bashar al-Assad chấp nhận kế hoạch hòa bình là "một bước quan trọng đầu tiên" hướng tới việc chấm dứt bạo lực, song cho rằng việc này phải được thực hiện "một cách chân thành và nghiêm túc". Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Liên hợp quốc Peter Wittig thì nhấn mạnh, hành động cụ thể của Syria sẽ chứng minh cho thiện chí của họ. Đại sứ Morocco tại Liên hợp quốc Mohammed Loulichki, đại diện của Liên đoàn Arab tại Liên hợp quốc, bày tỏ hy vọng, "đây sẽ là sự khởi đầu của một động lực đem lại tin tốt lành cho Hội đồng Bảo an".

Rõ ràng, hy vọng về nền hòa bình, sự ổn định cho quốc gia Trung Đông này đã là khát khao của cộng đồng quốc tế. Bởi từ những số liệu được thống kê, đã cho thấy sự khốc liệt của xung đột, tổn thất mà người dân đang phải đối mặt. Tính đến thời điểm này, hơn 9.000 người Syria đã thiệt mạng vì bạo lực, trong khi đó, làn sóng tỵ nạn tăng cao, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, từ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu đến các loại thuốc men, điều trị y tế. Bởi vậy, việc chấp thuận kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên K. Annan là một "bước đi quan trọng", trước hết, nó cho phép các tổ chức quốc tế phân phát viện trợ nhân đạo tới người dân nơi đây.


Có thể hiểu sự đồng tình, ủng hộ một cách tích cực mà Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đang nỗ lực cho Hội nghị "những người bạn của Syria", sẽ tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/4 tới. Hội nghị mà Moscow đã thẳng thừng từ chối tham dự và nêu rõ rằng, cuộc gặp này nhằm tạo điều kiện cho sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria chứ không nhằm mục đích tìm kiếm con đường đối thoại và giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Dư luận cho rằng, những kết quả ban đầu trong nỗ lực của Đặc phái viên K.Annan đã là tín hiệu tích cực, tạo đà cho tiến trình hòa giải, chấm dứt xung đột và giao tranh nếu như các bên cùng có một thiện chí, quyết tâm./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu