Khủng hoảng chính trị ở Ai Cập: Bế tắc toàn diện

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã bước vào giai đoạn căng thẳng tột độ khi ngày hôm qua, 14/8, trở thành ngày bạo lực đẫm máu nhất tại quốc gia này với gần 300 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương. Sau nhiều nỗ lực hòa giải của quốc tế thất bại, những lời đe dọa hành động chống lại những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi của chính phủ cuối cùng đã thành sự thật. Tình thế hiện nay khiến dư luận không thể lạc quan về một phép màu nào giúp Ai Cập có thể tìm ra lối thoát trong những ngày tới.
(VOV5) - Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã bước vào giai đoạn căng thẳng tột độ khi ngày 14/8, trở thành ngày bạo lực đẫm máu nhất tại quốc gia này với gần 300 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương. Sau nhiều nỗ lực hòa giải của quốc tế thất bại, những lời đe dọa hành động chống lại những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi của chính phủ cuối cùng đã thành sự thật. Tình thế hiện nay khiến dư luận không thể lạc quan về một phép màu nào giúp Ai Cập có thể tìm ra lối thoát trong những ngày tới.


Khủng hoảng chính trị ở Ai Cập: Bế tắc toàn diện - ảnh 1
Thủ đô Cairo đã tê liệt hoàn toàn do các vụ biểu tình, căng thẳng chính trị tại nước này tiếp tục leo thang. (Ảnh: hanoimoi)


Trong một diễn biến mới nhất, Chính phủ Ai Cập hôm qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng, trong bối cảnh bạo lực  bùng phát dữ dội trên cả nước sau khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập phát đi nêu rõ biện pháp khẩn cấp này buộc phải đưa ra khi "an ninh và trật tự của đất nước đối mặt với nguy hiểm do sự phá hoại có tính toán của các nhóm cực đoan”. Tổng thống lâm thời Adly Mansour cũng đồng thời tuyên bố "đã giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang, phối hợp với cảnh sát, áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì an ninh-trật tự, bảo vệ các tài sản công và tư, cũng như mạng sống của người dân." Thế nhưng, thực tế đáng buồn là số dân thường thiệt mạng trong các cuộc đụng độ lên tới hơn 200 người, hàng nghìn người khác bị thương. Phó Tổng thống Ai Cập, ông Mohamed El Baradei tuyên bố từ chức bởi cảm thấy bất lực và lương tâm cắn rứt khi có quá nhiều người thiệt mạng mà theo ông những mất mát đó có thể tránh được.

Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng gay gắt sau khi lực lượng an ninh Ai Cập trấn áp người biểu tình. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng vụ việc là “cực kỳ đáng lo ngại” và kêu gọi giới chức quốc gia Bắc Phi này kiềm chế. Đức, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục những người ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập và phe ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi từ bỏ bạo lực, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) có những bước đi nhanh chóng nhằm chấm dứt một "cuộc thảm sát" ở Ai Cập, cho rằng sự im lặng của cộng đồng quốc tế đã mở đường cho cuộc trấn áp bạo lực của các nhà chức trách Ai Cập. Iran thì gọi đây là một "cuộc thảm sát" ở Ai Cập. Trong khi đó, hàng chục người Jordan đã tiến hành một cuộc biểu tình ngồi trước Đại sứ quán Ai Cập tại thủ đô Amman để phản đối hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Ai Cập. Đồng quan điểm với nhiều nước, Qatar cũng lên tiếng chỉ trích cuộc trấn áp và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi.

Rõ ràng là tình trạng ở Ai Cập đang rơi vào thế bế tắc hoàn toàn. Người dân nước này đang thấm thía một thực tế đau đớn hơn bất kỳ dân chúng nước nào khác của Mùa xuân Arab, rằng việc lật đổ một chính quyền độc tài dễ hơn nhiều việc thay thế nó bằng một hệ thống chính phủ khác. Hơn 2 năm sau khi lật đổ chính quyền hà khắc của ông Hosni Mubarak, Ai Cập vẫn chưa thể tạo dựng được một hệ thống chính trị thực sự, nguyên nhân là bởi tình trạng phân cực và thiếu vắng thiện chí thỏa hiệp vì lợi ích chung. Đây chính là điểm nghẽn khiến tiến trình cải cách của quốc gia Bắc Phi này không đi đến đích. Kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, sự phân rã trong xã hội Ai Cập ngày càng gia tăng. Dù phong trào Anh em Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và nắm quyền lãnh đạo đất nước nhưng họ lại không thể thuyết phục được hàng triệu người Ai Cập tin rằng chính sách của họ là toàn diện khi mà tình trạng thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Quân đội, trước thời điểm Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, vẫn được xem là trọng tài chính trị duy nhất ở Ai Cập, thì nay đang đi những bước đi nguy hiểm khi tiến hành trấn áp những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ M. Morsi. Thách thức nghiêm trọng của Ai Cập hiện nay là lập trường của các bên tỏ ra hết sức cứng rắn, mâu thuẫn giữa các phe phái ngày càng trầm trọng. Quân đội kiên quyết không nhượng bộ, tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên những người biểu tình. Về phần mình, Phong trào Anh em Hồi giáo khẳng định biểu tình sẽ tiếp diễn chừng nào chính phủ do quân đội hậu thuẫn từ chức và Tổng thống dân bầu Morsi trở lại nắm quyền. Trong khi đó, vai trò hòa giải của khối Arab cũng như cộng đồng quốc tế là rất khó bởi hiện tại còn có nhiều chia rẽ, bất đồng.

Từ những diễn biến trên, dư luận chưa thấy hé lộ tia hy vọng nào để phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay ở Ai Cập. Chắc chắn dòng người đổ xuống đường biểu tình trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục, máu sẽ đổ nhiều hơn và tình thế đối đầu có thể sẽ tồi tệ hơn. Khó có thể tìm ra một giải pháp tạm thời nào cho xung đột hiện nay ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này. Bất đồng phe phái đang khiến đất nước Kim Tự Tháp trượt xuống hố sâu bạo lực, đẩy tiến trình cải cách ở quốc gia này đi chệch hướng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu