Một số tổ chức thiếu thiện chí, đặc biệt là “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) mới đây đưa ra những đánh giá thiên lệch, bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, bất chấp thực tế là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi công dân.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định cụ thể tại điều 24 rằng: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.Với tinh thần đó, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo.
Với nỗ lực rất lớn, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, các lĩnh vực hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo như: giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội... được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục…cho phù hợp với các quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện Hóc Môn tháng 5/2021. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trong khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương. Hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.
Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hành tự do tín ngưỡng tôn giáo, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hằng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.Việt Nam cũng chủ động thông tin đối thoại về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam thông qua các buổi làm việc, diễn đàn song phương, đa phương và kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, Australia, Na Uy và châu Âu...
Bất chấp thực tiễn sinh động về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, một số tổ chức thiếu thiện chí, điển hình là tổ chức “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) thường xuyên đánh giá tiêu cực về Việt Nam. Mới đây, USCIRF công bố “Báo cáo cập nhật về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2021” với những thông tin sai lệch, cho rằng việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam “tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”, trong đó có Nguyễn Bắc Truyển, đối tượng vi phạm pháp luật đã xét xử, kết án. USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC).Thông tin USCIRF sử dụng trong báo cáo được thu thập từ các tổ chức phản động bên ngoài (“Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS”, “Bàn tròn đa tôn giáo Việt Nam”, “Người Thượng vì công lý - MSFJ”…) liên kết với số cực đoan chống đối trong nước. Đánh giá tiêu cực, sai lệch của USCIRF đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam đã hoàn thiện trong pháp luật cũng như thực thi các chính sách bảo đảm, thúc đẩy tự do tôn giáo cho mọi người.
Ở bất kỳ một quốc gia nào, các hoạt động tôn giáo đều được điều chỉnh và hoạt động theo pháp luật. Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, cởi mở trong trao đổi, cung cấp thông tin, cho các nước, các tổ chức quan tâm về vấn đề nhân quyền, trong đó có tự to tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí mời các đoàn (trong đó có USCIRF) vào thăm để tận mắt chứng kiến thực tế những nỗ lực cũng như chuyển biến tích cực về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Riêng với USCIRF, Việt Nam khuyến nghị tổ chức này cần thiết phải tiếp nhận những thông tin chính xác và có cách tiếp cận khách quan, mang tính xây dựng khi công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo, không chỉ với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Đấy mới chính là tôn chỉ, mục đích chân chính của một tổ chức muốn hướng đến thúc đẩy quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới.