Không được mạo danh khi góp ý xây dựng Hiến pháp

Thái Bình
Chia sẻ
(VOV5) - Để có một bản Hiến pháp hoàn chỉnh phù hợp với ý nguyện của nhân dân và hội nhập quốc tế, đất nước rất cần những ý kiến đóng góp chất lượng, mang tính xây dựng và đặc biệt, đóng góp phải chính danh chứ không phải là tên giả hoặc mạo danh.
(VOV5) - Để có một bản Hiến pháp hoàn chỉnh phù hợp với ý nguyện của nhân dân và hội nhập quốc tế, đất nước rất cần những ý kiến đóng góp chất lượng, mang tính xây dựng và đặc biệt, đóng góp phải chính danh chứ không phải là tên giả hoặc mạo danh. Ấy vậy mà vào thời điểm nhân dân cả nước đang nỗ lực đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thì trên các trang mạng, blog cá nhân, một số người thiếu thiện chí cũng đang tập hợp một số cá nhân nguỵ tạo danh sách cái gọi là “ Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp”, tạo sức ép với Đảng và Nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng, phi chính trị hóa quân đội…

Không được mạo danh khi góp ý xây dựng Hiến pháp - ảnh 1
Mạo danh “góp ý” Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần lên án. Ảnh: VTV

Linh mục Phạm Nguyên Hồng, Giáo xứ Chính tòa, Thành phố Thái Bình là một trong số hơn 100 người ở Thái Bình có tên trong danh sách kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập mà một số trang web và blog phản động nêu tên. Nhưng nhà thờ Chính tòa không có vị linh mục nào tên Hồng. Điều này được linh mục Nguyễn Phúc Hạnh, Chánh xứ cai quản ở đây xác nhận: “Trong giáo phận không có linh mục nào tên là Phạm Nguyên Hồng cả. Nhiều khi anh em nói chuyện thì biết tin tức một tý chứ chúng tôi cũng chẳng có thời gian”.

Linh mục Nguyễn Văn Thoan, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ nhà thờ Chính tòa Thái Bình cũng khẳng định về cái tên ảo Phạm Nguyên Hồng: “ Ở nhà thờ chính tòa đây, qua các thời kỳ, một số cha bản xứ chính tòa như từ năm 1975, 1978, 1980, 1992 thì có cha Ma Trạch Huynh là chánh xứ, rồi đến cha Nguyễn Văn Đạo, sau đến cha Trần Nguyễn Chiêu và đến giờ có cha Nguyễn Phúc Hạnh là tổng đại diện cũng là chánh xứ nhà thờ Thái Bình. Còn linh mục Phạm Nguyên Hồng thì không có”

Với hơn 1 triệu dân ở một tỉnh nông nghiệp như Thái bình thì việc cố tình sáng tác ra một danh sách hơn 100 người kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, trong đó ba phần tư không có địa chỉ, là việc làm ai cũng dễ nhận thấy là một sự chủ ý không bình thường. Cũng giống như Thái bình,  ở Hà Tĩnh, gần 1300 người  có tên danh sách kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, trong đó 70 % là nông dân, những người ít có điều kiện sử dụng Internet. Ông Từ Văn Thiện, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định sự ngụy tạo trên các trang mạng rằng số đông người dân Hà Tĩnh ký vào danh sách Bản kiến nghị tập thể là sự xúc phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp của nhân dân địa phương. Đây là việc làm có mưu đồ chính trị chống phá đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 11 và Nghị quyết của Quốc hội khóa 13, cho đến thời điểm này, các địa phương đã bước đầu hoàn thành việc tập hợp ý kiến của nhân dân, góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại thành phố Hồ Chí Minh, gần 6 triệu trong tổng số 10 triệu dân đã được lấy ý kiến về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tại Hà Nội cũng vậy. Rất nhiều phiếu lấy ý kiến đóng góp đã được gửi đến người dân. Họ hoàn toàn có thể bày tỏ chính kiến của mình về vai trò lãnh đạo của Đảng, về quyền lực nhà nước, về quyền con người và nghĩa vụ công dân …Họ có thể ký tên hoặc không ký tên khi bày tỏ chính kiến xây dựng Hiến pháp. Kết quả tập hợp ý kiến nhân dân xây dựng Hiến pháp bước đầu cho thấy những gì mà các trang mạng đang cố tình thổi phồng lên, rằng tập thể này, cá nhân nọ ký tên vào bản kiến nghị dường như chỉ là những thông tin gây “nhiễu”. Trung tướng Mai Quang Phấn, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, khi bàn về việc góp ý cho Hiến pháp, nói rằng vấn đề quan trọng nhất lúc này là tập hợp một cách đầy đủ ý kiến của gần 90 triệu dân, chứ không chỉ vài chục hay vài trăm người mà tên tuổi không rõ ràng: “Gần 90 triệu dân, hay cụ thể hơn khoảng 87 triệu dân mới là cái lớn còn những kiến nghị này nọ chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Cái chính của chúng ta là phải khẳng định tính khách quan, tính lịch sử, tính khoa học của nó, bổ sung cái gì, điều chỉnh cái gì. Đây mới là điều đáng quan tâm”

Gần 3 tháng lấy ý kiến nhân dân xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chỉ riêng Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đã tổ chức 7 hội nghị lớn, để các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản các dân tộc, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… được bày tỏ ý kiến của mình đối với đạo luật gốc của đất nước. Cũng tại đây, những người tham gia góp ý đều chứng kiến không khí thật sự dân chủ, cởi mở và tinh thần xây dựng tinh thần xây dựng bản Hiến pháp. Rõ ràng, nếu thật sự muốn xây dựng đất nước, muốn cho bản Hiến pháp thể hiện được ý chí của toàn thể dân tộc thì không cần phải làm những việc khuất tất, mạo danh như một số đối tượng đã làm những ngày qua./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu