Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được dư luận quan tâm và góp ý là Điều 4, đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều ý kiến khẳng định quy định như Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  là cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.
(VOV5) - Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được dư luận quan tâm và góp ý là Điều 4, đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều ý kiến khẳng định quy định như Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  là cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.


Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp - ảnh 1


Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ so với Hiến pháp trước đây. Đó là khẳng định rõ Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Thực tế chặng đường hơn 80 năm Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển đã cho thấy Đảng không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ hơn trong Điều 4 là đòi hỏi cấp thiết, phù hợp với thực tế khách quan cũng như tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ hưu trí, cho rằng: “Đảng đã lãnh đạo cách mạng, đất nước, xã hội mà vẫn thường gọi là Đảng cầm quyền dựa trên cơ sở sự tín nhiệm của nhân dân với Đảng. Do đó chúng ta khẳng định rõ vị trí của Đảng trong thời kỳ đổi mới đầy những biến động phức tạp là cần thiết”.



Cũng trong Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Sự bổ sung này đã quy định bản chất, trách nhiệm của Đảng với nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với phát huy trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Đặc biệt đề cao vai trò giám sát của nhân dân, đồng nghĩa với việc người dân phải được quyền phản biện chủ trương, đường lối của Đảng. Thạc sỹ luật học Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến: “Trong Dự thảo có ghi Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Vậy thì giám sát như thế nào. Tôi đề nghị viết thêm vào nhân dân thực hiện sự giám sát của mình đối với đảng theo quy định của luật về giám sát xã hội và phản biện xã hội. Cần phải có Luật này để quy định rõ giám sát với Đảng thế nào, với Chính phủ thế nào”.


Cuối cùng, Dự thảo sửa đổi cũng khẳng định không chỉ các tổ chức của Đảng mà mọi đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đề cập nội dung này, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Ngọc Ninh, Giảng viên cao cấp về xây dựng Đảng thuộc Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Điều 4 quy định hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là quy định nghiêm ngặt về pháp lý đối với hoạt động của Đảng, của các tổ chức Đảng và đảng viên. Quy định này cũng được ghi trong Điều lệ Đảng, và được xác định là một nguyên tắc hoạt động của Đảng. Và như vậy, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm pháp luật thì không chỉ bị xử lý theo pháp luật, mà còn bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng. Đảng không cho phép lấy việc xử lý theo pháp luật thay cho kỷ luật của Đảng”.


Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước nhưng để đáp ứng yêu cầu của phát triển, nhiều ý kiến cũng cho rằng Đảng cần có sự đổi mới hơn nữa, từng cán bộ, đảng viên phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và những nội dung này cần ghi rõ trong Hiến pháp.


Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được thể chế rõ hơn chính là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế khách quan cũng như tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu