Khẳng định tầm vóc ASEAN trong bối cảnh mới

Chia sẻ
(VOV5) - ASEAN hiện là trung tâm của mạng lưới các hiệp định tư do ở khu vực, tiếp tục là động lực chính trong thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và tiểu khu vực.

Với chủ đề “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 hôm nay (9/5) chính thức khai mạc tại đảo Labuan Bajo, Indonesia. Hội nghị khẳng định mong muốn và nỗ lực của các nước thành viên phấn đấu đưa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực tăng trưởng với vai trò dẫn dắt trong các tiến trình hợp tác và liên kết ở khu vực, đặc biệt trước những chuyển động phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và toàn cầu.

Khẳng định tầm vóc ASEAN trong bối cảnh mới - ảnh 1Cờ của các quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Labuan Bajo, Đông Nusa Tenggara, Indonesia, ngày 8/5/2023. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị, bên cạnh tập trung trao đổi các vấn đề nội khối, các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN thảo luận những vấn đề mang ý nghĩa thời cuộc, đang nổi lên và được quan tâm hiện nay ở cả tầm khu vực và toàn cầu, thống nhất định hướng ứng xử và những đóng góp thiết thực của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp. Qua đó, khẳng định vai trò, uy tín và trách nhiệm của ASEAN trong bối cảnh ngày nay.

Quyết tâm khôi phục nền kinh tế theo hướng bền vững hơn

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu gặp nhiều khó khăn, những biến động lớn ở một số khu vực đang làm cho thế giới có nguy cơ lâm vào những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát và suy thoái kinh tế. Những yếu tố này tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn lệ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Do vậy, phục hồi và phát triển kinh tế trở thành tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong thời gian qua. Và tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, ASEAN nhận thức sâu sắc về yêu cầu phải phối hợp hành động, từ các giải pháp của mỗi quốc gia cho đến các giải pháp khu vực.

Điểm mới của hội nghị lần này là sự phong phú và đa dạng hơn trong các phiên đối thoại của các lãnh đạo với các nhóm, giới về những vấn đề quan tâm trong tiến trình xây dựng cộng đồng.

Khẳng định tầm vóc ASEAN trong bối cảnh mới - ảnh 2Các đại biểu dự Cuộc họp SOM ASEAN để bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 42

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 dự kiến thông qua nhiều văn kiện quan trọng trải rộng trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội của Cộng đồng ASEAN. Các văn kiện này bám sát các ưu tiên mà ASEAN đề ra trong năm nay, đó là về ổn định tài chính, an ninh năng lượng, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng ở khu vực. Ngoài chương trình nghị sự về kinh tế, phát triển kinh tế kỹ thuật số, ứng phó với biến đổi khí hậu…, Hội nghị cũng thảo luận về việc thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm các nội dung về hợp tác kinh tế, hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững.

Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, tăng trưởng là một trong những mục tiêu được Chủ tịch ASEAN Indonesia chú trọng. Indonesia quyết tâm đưa Ðông Nam Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới. Thông qua những mục tiêu ưu tiên trong năm 2023, Indonesia dẫn dắt các nước thành viên tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong ứng phó với các thách thức, đồng thời đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng tại khu vực và trên thế giới.

Thực tế, ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm từ các đối tác bên ngoài mong muốn nâng cấp quan hệ và tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Vị thế của ASEAN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới không ngừng được nâng cao. ASEAN hiện được xem là tổ chức khu vực thành công thứ hai trên thế giới chỉ sau Liên minh châu Âu (EU). Hiện, có 96 quốc gia ngoài ASEAN đã bổ nhiệm đại sứ bên cạnh Ban thư ký ASEAN. ASEAN có quan hệ đối tác với 11 quốc gia, trong đó có 2 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và 8 nước có quan hệ đối tác chiến lược. Các cường quốc ngoài khu vực ngày càng coi trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và xem việc thắt chặt quan hệ với ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, ASEAN hiện là trung tâm của mạng lưới các hiệp định tư do ở khu vực, tiếp tục là động lực chính trong thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và tiểu khu vực, mà gần đây nhất là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tháng 11/2020.

Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh Hiệp hội tiếp tục hợp tác để đảm bảo tính hấp dẫn của ASEAN với các đối tác, đối thoại. Đặc biệt, Hiệp hội ưu tiên cao cho việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, cho đây là điều "có ý nghĩa sống còn" đối với ASEAN. Nhờ thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, nỗ lực kiến tạo cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, hướng tới môi trường hoà bình, ổn đinh, phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành công trong chặng đường suốt gần 56 năm qua (1967-2023). ASEAN ngày càng nâng tầm hình ảnh và vị thế cũng như lan toả vai trò và tiếng nói ở cả tầm khu vực và quốc tế nhờ cách tiếp cận cân bằng, phương cách ASEAN độc đáo và nhất là sự đoàn kết, ứng phó hiệu quả với mọi khó khăn, thách thức của thời đại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu