Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) –Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII dành cả ngày 17/6 để thảo luận lần cuối về Luật đất đai sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua. Dự luật có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng nhằm đảm bảo hài hoà  quyền lợi của Nhà nước và người dân. Biên tập viên Đài TNVN, chuyển tới quý vị và các bạn những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

(VOV5) –Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII dành cả ngày 17/6 để thảo luận lần cuối về Luật đất đai sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua. Dự luật có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng nhằm đảm bảo hài hoà  quyền lợi của Nhà nước và người dân. Biên tập viên Đài TNVN, chuyển tới quý vị và các bạn những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

 

Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất - ảnh 1
Ảnh minh họa theo: www.sotnmt-bentre.gov.vn

Đánh giá chung cho thấy Dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này đã bổ sung những quy định nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong Luật Đất đai hiện hành về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư. Dự thảo sửa đổi theo hướng lợi ích của nhà nước và người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo tương xứng, nguồn lực về đất đai được phát huy để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bà Nguyễn Thanh Thụy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đồng tình với việc Dự thảo luật đất đai sửa đổi quy định các trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, quốc phòng an ninh, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bà cho rằng: Về các trường hợp thu hồi đất, tôi đề nghị riêng đối với thu hồi cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần có quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án này là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn các dự án mang tính kinh tế đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất để nhận góp vốn, phù hợp với quy định sử dụng đất.”

 

Theo một số đại biểu cần phải đảm bảo hài hoà mục tiêu thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội với chính sách an dân. Nếu không sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này để bảo đảm phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

 

Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo một số đại biểu, đây chính là điểm mấu chốt khiến việc khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng, vì vậy sửa đổi luật đất đai lần này cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi  thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Dự thảo còn đề cập chung chung, mờ nhạt vấn đề sinh kế của người dân ra sao sau khi đất và nhà của họ bị thu hồi, một vấn đề quan trọng mà bất cứ người có đất nào bị thu hồi cũng quan tâm. Vì vậy, khi tính toán bồi thường tái định cư phải đặc biệt quan tâm tới kế sinh nhai cho người có đất bị thu hồi, phải có quy định đặc thù để áp dụng cho các đối tượng chính sách. Trên cơ sở đó, ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến:  Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng đất đổi đất, nhà đổi nhà. Người dân không phải bỏ thêm tiền đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống. Thứ hai nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp đồng thời Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Thứ ba,  xây dựng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất và cơ chế tự thoả thuận về giá đất bồi thường giữa doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi.”

 

Về giá đất, tuy Ban soạn thảo đã  thiết kế một điều luật riêng quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể nhưng theo một số đại biểu  nội dung quy định về giá đất trong Dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này chưa có bước đột phá căn bản.Vì vậy để hoàn thiện các quy định về giá đất, theo ông Ngọc Vinh cần phải quy định cụ thể hơn. Ông cho rằng: Các quy định về giá đất phải đảm bảo giữa lợi ích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Cần thiết phải xây dựng cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Cần xây dựng trong luật cơ chế tự thoả thuận giữa doanh nghiệp và người dân.

 

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên cũng còn không ít ý kiến muốn giữ nguyên 4 cấp lập quy hoạch sử dụng đất là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã như trong luật hiện hành. Ông Bùi Văn Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, kiến nghị: Đề nghị phải giữ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã như Luật hiện hành vì những lý do sau: Một là xuất phát từ nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sự phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương trong khi đó xã là cấp chính quyền với hệ thống chính trị đầy đủ có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội 5năm và hàng năm, như vậy để thực hiện được những điều này đòi hỏi phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tương ứng. Vì vậy, chủ thể xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải là cấp xã. Thứ 2, cũng xuất phát từ nguyên tắc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải đi từ tổng thể đến chi tiết như vậy trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cấp huyện, các xã sẽ xây dựng  quy hoạch chi tiết, như thế sẽ không sợ thiếu tính liên kết và trùng lặp quy hoạch giữa các xã.

         

Luật đất đai là là bộ Luật quan trọng, liên quan mật thiết đến quyền lợi sát sườn của người dân. Việc thảo luận về dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này hy vọng sẽ khắc phục những hạn chế bất cập trong Luật Đất đai hiện hành, góp phần quan trọng trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đồng thời đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân với Nhà nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu