Kaesong – nút thắt quan trọng trong quan hệ liên Triều

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Theo dự kiến, vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên về hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong diễn ra vào ngày 17/7. Đây là vòng đàm phán cấp chuyên viên lần thứ 4 liên tiếp trong những ngày qua, sau 3 lần thất bại trước đó.

(VOV5) - Theo dự kiến, vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên về hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong diễn ra vào ngày 17/7. Đây là vòng đàm phán cấp chuyên viên lần thứ 4 liên tiếp trong những ngày qua, sau 3 lần thất bại trước đó. Tuy cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều tỏ ra thiện chí trong việc khôi phục lại hoạt động của khu công nghiệp chung này song điều đó là chưa đủ để khu công nghiệpKaesong, biểu tượng hợp tác kinh tế duy nhất còn lại giữa hai miền, hồi sinh trở lại.

         

Kaesong – nút thắt quan trọng trong quan hệ liên Triều - ảnh 1
Một nhân viên an ninh Hàn Quốc điều khiển giao thông tại chốt chặn gần công nghiệp Kaesong. Ảnh: REUTERS


Có thể thấy không bên nào được lợi khi Khu công nghiệp chung Keasong ngừng hoạt động vì vậy cũng dễ hiểu khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nỗ lực đàm phán để khôi phục lại hoạt động của khu công nghiệp này. Theo tính toán, khu công nghiệp chung Kaesong, do các công ty Hàn Quốc đầu tư 100% vốn (gần 900 triệu USD), không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội lớn bởi nó tạo công ăn việc làm cho hơn 53.000 công nhân CHDCND Triều Tiên. Quyết định đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong của Bình Nhưỡng hồi tháng 4/2013 khiến kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong tháng 5 vừa qua gần như bằng 0 và gây thiệt hại gần 1 tỷ USD cho hơn 100 công ty Hàn Quốc có các nhà máy hoạt động tại đây.

 

Vì vậy, lộ trình tiến hành vòng đàm phán thứ 4 được 2 bên đưa ra ngay sau khi cuộc đàm phán cấp chuyên viên lần thứ 3 diễn ra chiều 15/7 mà không đạt được thoả thuận nào. Nguyên nhân chính vẫn là việc 2 bên đùn đẩy trách nhiệm khiến khu công nghiệp ngừng hoạt động cũng như bất đồng về cách thức nối lại hoạt động của khu công nghiệp này. Tại các cuộc đàm phán, Seoul đã tiếp tục đề nghị Pyongang (Bình Nhưỡng) chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà các công ty Hàn Quốc phải gánh chịu cũng như cần phải đưa ra đảm bảo rõ ràng không để tái diễn kịch bản tương tự. Phía Hàn Quốc cũng yêu cầu phát triển khu công nghiệp chung Kaesong thành khu công nghiệp quốc tế bằng việc chấp nhận các công ty nước ngoài đầu tư vào đây, điều sẽ gây khó khăn cho CHDCND Triều Tiên khi nước này muốn cản trở các hoạt động tại khu công nghiệp.Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của CHDCND Triều Tiên Park Chol-su cáo buộc Seoul phải chịu trách nhiệm về việc khu công nghiệp chung Kaseong bị ngừng hoạt động vì các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.  Truyền thông CHDCND Triều Tiên cũng kêu gọi Seoul cần thay đổi chính sách và lập trường để chấm dứt những bế tắc liên quan tới số phận của khu công nghiệp.

 

Dư luận từng kỳ vọng các vòng đàm phán sẽ mang lại bước quyết định trong hợp tác hai miền. Tuy nhiên thất bại của vòng đàm phán cấp chuyên viên lần thứ 2 (ngày 10/7) và thứ 3 (ngày 15/7) do không bên nào nhường bên nào đã dấy lên lo ngại về điều tương tự có thể xảy ra ở vòng đàm phán thứ 4 sắp tới. Ông Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul, nhận định nhiều khả năng các cuộc đàm phán về khu công nghiệp Kaesong sẽ là một quá trình lâu dài, với việc cả hai bên đều cố gắng để có được thế thượng phong. Theo Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Kim Yong-hyun, hố ngăn cách hiện nay giữa hai bên là đáng kể và cần phải tìm thấy điểm chung.

 

Việc Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán về khu công nghiệp chung Kaesong đã đánh dấu bước tiến ban đầu, nhưng với những gì diễn ra trên thực tế, xem ra phần khó khăn nhất bây giờ mới bắt đầu. Nếu cả 2 bên không chịu nhượng bộ, vấn đề Kaesong không được giải quyết, quan hệ liên Triều sẽ không thể tiến triển./.        

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu