Những tháng cuối năm 2021, khi tỷ lệ dân số được bao phủ vaccine tăng cao, Việt Nam đang khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đặt ra là không phải phát triển bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội.
Giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài
Phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững, diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: để có được ổn định vĩ mô là công việc rất lâu dài, rất khó nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất dễ. Mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất tất cả. Do vậy, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trước mắt của Việt Nam phải gắn với giải pháp lâu dài: "Phát triển không phải là bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng, để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời những giải pháp ngắn hạn và trung hạn phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát".
Trong thời gian qua, để ứng phó với dịch bệnh hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam cũng đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4% GDP. (thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới. Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%).
Từ thực tiễn thời gian qua, theo Chủ tịch Quốc hội, trong phục hồi và phát triển bền vững, chú trọng phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý cùng thời điểm phù hợp, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là tập trung tăng tổng cung và tổng cầu.
Ngoài ra, một thông điệp quan trọng là trong khó khăn càng cần phải sát cánh, đoàn kết, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn phải tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế, khu vực.
Tập trung vào lĩnh vực trọng tâm
Để hỗ trợ nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023, tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.
Nguồn nhân lực là yếu tố gắn liền với phát triển bền vững. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG, Paris nhấn mạnh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ là không gian tạo con người, quy trình vận hành đan xen và thúc đẩy tăng năng suất.
Ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet |
Về giải pháp phục hồi kinh tế và phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số, ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết phát triển kinh tế số là một trong những lựa chọn đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay để có thể phục hồi bền vững. Kinh tế số trong giai đoạn hiện nay bình quân trên thế giới chiếm khoảng 15% GDP, còn ở Việt Nam khiêm tốn hơn, chiếm khoảng 10% GDP: "Điều này cho thấy rằng, chúng ta còn dư địa rất lớn cho phát triển kinh tế số. Kinh tế số tự nó thì chưa phải là giải pháp hoàn hảo nếu gắn vào đó không có những thay đổi về thể chế, về chính sách, những quy định cho phù hợp. Tôi cho rằng đây là lúc tốt nhất để chúng ta tập trung vừa phát triển kinh tế số vừa đẩy mạnh cải cách thể chế và xét đến cùng để có thể đạt mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững".
2 năm qua, dịch COVID – 19 khiến Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 37 tỉ USD. Đây mới chỉ là thiệt hại trực tiếp về GDP, chưa tính những thiệt hại khác. Do vậy, việc lựa chọn các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững là điều rất cần thiết để Việt Nam sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, phát triển hơn trong những năm sắp tới.