Hợp tác quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường ở Biển Đông

Hồ Điệp
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng kiến Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông của CSIS nhằm cung cấp một mô hình hợp tác khả thi cho các nước yêu sách ở Biển Đông về quản lý tranh chấp biển.

Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông, một phương tiện để các bên thúc đẩy quản lý chung và duy trì ổn định khu vực Biển Đông, là sáng kiến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ công bố cuối năm 2017. Đây là một nghiên cứu đầu tiên của các chuyên gia quốc tế nhằm cung cấp một mô hình hợp tác khả thi cho các nước yêu sách ở Biển Đông về quản lý tranh chấp biển.

Hợp tác quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường ở Biển Đông - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: vietnamnet.vn

Chương trình Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á do CSIS đưa ra, theo đó thành lập một nhóm chuyên gia đến từ các nước khu vực am hiểu luật pháp, chính sách và môi trường. Mục đích của chương trình là đưa ra những hình mẫu về quy tắc ứng xử liên quan quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở biển Đông.

Tất  cả các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển

Theo số liệu từ Viện nghiên cứu chiến lược Biển Đông, Biển Đông là một trong năm khu vực đánh bắt cá năng suất cao trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu trong năm 2015. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này. Vì tầm quan trọng như vậy nên việc các quốc gia trong khu vực, kể cả những quốc gia có yêu sách về chủ quyền hay không, đều có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển và quản lý nguồn cá, theo nội dung mà sáng kiến Kế hoạch hành động về quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường biển Đông đưa ra.

Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ, khác với việc khai thác dầu khí chỉ có thể thực hiện dựa trên quyền chủ quyền của quốc gia ven biển với thềm lục địa, nghĩa vụ cùng nhau quản lý nguồn tài nguyên sinh vật biển khiến cho việc quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường trở thành một lĩnh vực dễ thúc đẩy hợp tác hơn ở Biển Đông. Các quốc gia xung quanh Biển Đông hoàn toàn có khả năng hợp tác hiệu quả để bảo vệ những hệ sinh thái này và quản lý nguồn cá mà không làm ảnh hưởng đến các yêu sách biển và lãnh thổ chồng lấn.

"Về mặt chính trị, đây là một kế hoạch hoàn toàn khả thi, bởi bản kế hoạch này bỏ ngoài những yếu tố tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc các bên có yêu sách chủ quyền tham gia vào kế hoạch cũng như đồng ý các nội dung trong bản kế hoạch không đồng nghĩa họ thỏa hiệp với nhau; không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ những yêu sách về chủ quyền của mình, cũng không đồng nghĩa với việc họ công nhận chủ quyền lãnh thổ hay yêu sách của các quốc gia khác mà nội dung chính của bản kế hoạch này chúng tôi tập trung vào yêu cầu hợp tác về quản lý nghề cá, bảo vệ môi trường biển ở Biển Đông" - ông Gregory Poling nói.

Điều 123 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UCNLOS) đã quy định: Các quốc gia xung quanh vùng biển nửa kín như Biển Đông có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển và quản lý nguồn cá. Bởi các tài nguyên sinh vật biển tự do di chuyển đến tất cả các khu vực khác nhau mà không cần sự cho phép của thẩm quyền quốc gia.  Điều 192 UNCLOS cũng quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia “bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”.

Gìn giữ môi trường biển thông qua hợp tác đa phương

Như vậy, nghĩa vụ pháp lý quốc tế về hợp tác quản lý nghề cá và môi trường biển được quy định rất rõ và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế. Các cộng đồng dân cư xung quanh Biển Đông hiện đang phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cá cả về an ninh lương thực và kế sinh nhai của người dân.

Tuy nhiên tại khu vực, tỷ lệ đánh bắt cá sụt giảm trong những năm gần đây do sự kết hợp của hai nhân tố gồm đánh bắt cá quá mức và việc phá hủy môi trường có chủ ý. Gìn giữ môi trường biển thông qua hợp tác đa phương ở các vùng biển tranh chấp phải là xu thế tất yếu, theo Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông mà CSIS đưa ra. Ông Poling khẳng định thêm: "Nếu chúng ta cứ nhất nhất chú tâm vào câu chuyện giải quyết tranh chấp thì có lẽ chúng ta sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn. Thứ nhất bao giờ giải quyết xong tranh chấp lãnh thổ thì mới có thời gian nói về quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường Biển Đông. Thứ hai, song song việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chúng ta phải có những động thái ngay lập tức vì quản lý, khai thác nguồn cá và vấn đề môi trường biển Đông không thể đợi được".

Sáng kiến Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông của CSIS chỉ ra rằng các quốc gia trong khu vực cần nhanh chóng triển khai các nội dung như: Thiết lập Khu vực Quản lý Môi trường và Nghề cá ở Biển Đông; Quy định phạm vi trách nhiệm của các bên ví dụ như các nước yêu sách cần chịu trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn các  tàu vi phạm các quy định hạn chế đánh bắt cá. Ngoài ra tất cả các nước tránh các hành động phá hủy môi trường biển nào như nạo vét, cải tạo đảo, hay xây dựng các cơ sở trên các rạn san hô chưa có nước nào kiểm soát. Cuối cùng tất cả các quốc gia cần có kết hoạch hợp tác về nghiên cứu khoa học biển nhằm triển khai hiệu quả các nỗ lực bảo tồn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu