Hội thảo quốc tế Biển Đông: Góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo đến nay đã trở thành một kênh trao đổi thông tin quan trọng, chỉ ra được gốc rễ của những tranh chấp ở Biển Đông.

Hơn 500 học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao quốc tế đang tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại Hà Nội. Kể từ lần tổ chức đầu tiên năm 2009, Hội thảo đến nay đã trở thành một kênh trao đổi thông tin quan trọng, chỉ ra được gốc rễ của những tranh chấp ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, kiểm soát bất đồng, đề cao luật pháp quốc tế với mục tiêu xây dựng Biển Đông hòa bình và ổn định.

Hội thảo quốc tế Biển Đông: Góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất - ảnh 1Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Trung Đỗ

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi chính trị thế giới có những diễn biến mới, đặc biệt là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang ngày càng rõ rệt, có xu thế tác động và chi phối đáng kể tới nhiều khu vực, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương và cụ thể là Biển Đông.

Biển Đông trong "bàn cờ thế" các cường quốc

Thời gian qua, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trên toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực từ tài chính, kinh tế, chính trị đến khoa học công nghệ, đặt ra nguy cơ kéo theo sự tham dự của những nước khác và tác động tiêu cực đến trật tự thế giới hiện hành. Trong bối cảnh đó, việc Biển Đông trở thành một điểm nóng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Là cường quốc mới trỗi dậy với tiềm lực quân sự, kinh tế đang trên đà phát triển, Trung Quốc xem Biển Đông là khu vực để thể hiện sức mạnh và độc chiếm Biển Đông là bước đầu tiên trong việc xác lập Trung Quốc chính là cường quốc hàng đầu thế giới trong thời kỳ mới. Bắc Kinh từ lâu cũng xem việc kiểm soát Biển Đông là một phần của việc duy trì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Về phía Mỹ, nước này đã rất chú trọng việc duy trì hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương và xác định việc duy trì an ninh, ổn định ở Biển Đông là lợi ích quốc gia. Đến thời Tổng thống Donald Trump, nhận thức này ngày càng phát triển, thành một phần của chiến lược lớn hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Có thể thấy Mỹ-Trung Quốc đã xảy ra mâu thuẫn lợi ích trong cách tiếp cận vùng biển này và mâu thuẫn này tăng lên theo thời gian.

Góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

Trong bàn cờ thế cạnh tranh giữa các cường quốc đó, tình hình Biển Đông có nhiều biến động và các quốc gia ven Biển Đông cũng chịu tác động trực tiếp từ những biến động này. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. 

Hội thảo quốc tế Biển Đông: Góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. Ảnh:qdnd.vn

Hội thảo quốc tế Biển Đông – một diễn đàn hữu ích do Việt Nam khởi xướng - đã góp phần đi tìm lời giải, hạ nhiệt những căng thẳng ở Biển Đông. Qua 13 lần tổ chức, diễn đàn này ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, từ nhiều giới, cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Hội thảo ngày càng bám sát thực tiễn hơn, thảo luận các chủ đề cấp bách với sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách, tiếp tục đóng vai trò cầu nối tốt hơn giữa kênh chính thức và bán chính thức nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13 này ghi nhận sự đồng thuận trong việc đề cao giá trị của các khuôn khổ pháp lý hiện có, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982. Nhiều học giả đánh giá cao công ước này, coi nó như một "hiến chương xanh" của nhân loại, có thể tạo ra các quy chế pháp lý quan trọng để mỗi quốc gia căn cứ vào đó xác định phạm vi vùng biển của mình phù hợp với những điều khoản của công ước.

Mặc dù học giả Trung Quốc cho rằng UNCLOS 1982 còn một số điều chưa được chi tiết, cụ thể, thậm chí theo họ là "mơ hồ" nên đã bị các nước khác lợi dụng, đưa ra yêu sách vô lý, song ý kiến này lập tức bị bác bỏ. Theo các chuyên gia, Công ước là cơ sở để các nước giải quyết tranh chấp trong những vùng biển chồng lấn, nó cũng tạo cơ chế để các bên giải quyết xung đột một cách rõ ràng theo luật pháp quốc tế. Cũng từ đó, các chuyên gia tham dự hội thảo kêu gọi cần phải chung sức để bảo vệ UNCLOS 1982 và tiếp tục tìm giải pháp cụ thể hơn nữa một số điều khoản, nhất là những điều có thể bị lợi dụng để cố ý diễn giải sai và theo hướng có lợi cho một bên nào đó. Ngoài ra, trật tự pháp lý trên biển dựa trên UNCLOS nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tất cả các bên trong UNCLOS đều phải có nghĩa vụ tuân thủ.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới, cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực, Hội thảo quốc tế Biển Đông tiếp tục là diễn đàn uy tín hàng đầu ở khu vực để thảo luận về hợp tác và phát triển ở Biển Đông, góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, thúc đẩy đối thoại, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu