Hòa bình lâu dài ở Colombia: giấc mơ còn dang dở

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ thỏa thuận hòa bình sẽ đạt từ 55% tới 66% và tỷ lệ không ủng hộ sẽ vào khoảng 35%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ thỏa thuận sẽ dễ dàng được thông qua.
(VOV5) -  Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ thỏa thuận hòa bình sẽ đạt từ 55% tới 66% và tỷ lệ không ủng hộ sẽ vào khoảng 35%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ thỏa thuận sẽ dễ dàng được thông qua.


Kết quả trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa được ký kết giữa chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) (hôm 26/9) thực sự gây bất ngờ lớn cho những ai mong mỏi nền hòa bình dài lâu cho đất nước Nam Mỹ này khi hơn 50% cử tri phản đối. Tuy nhiên trong bối cảnh thất vọng đó đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ nhiều phía nhằm níu giữ lộ trình hòa bình còn dang dở ở Colombia. 

 

Hòa bình lâu dài ở Colombia: giấc mơ còn dang dở - ảnh 1
Cử tri Colombia sống tại Tây Ban Nha bỏ phiếu tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 2/10. EPA/TTXVN


Ngày 2/10, cử tri Colombia tham gia cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình mở đường cho việc chấm dứt 52 năm xung đột vũ trang đẫm máu tại nước này. Theo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, việc trưng cầu dân ý là để đảm bảo tính pháp lý của văn bản nói trên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Colombia sẽ có được một nền hòa bình lâu dài.

Trước đó, ngày 24/8, sau 4 năm kiên trì đàm phán, chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận hòa bình. Nếu thỏa thuận được thông qua, gần 8.000 tay súng FARC sẽ giải giáp và sau đó tổ chức này sẽ tham gia hợp pháp vào đời sống chính trị Colombia như một chính đảng. Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Colombia Humberto de la Calle từng nhận định thỏa thuận ngày 24/8 dù chưa phải là hoàn hảo nhưng là con đường khả thi nhất, tốt nhất có thể để “xứ sở cà phê” tiến tới một tương lai tươi sáng hơn.

Kết quả không lường trước

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ thỏa thuận hòa bình sẽ đạt từ 55% tới 66% và tỷ lệ không ủng hộ sẽ vào khoảng 35%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ thỏa thuận sẽ dễ dàng được thông qua. Thậm chí Tổng thống Juan Manuel Santos còn cho biết Chính phủ không có phương án dự phòng. Trong trường hợp người dân nói không với văn bản đã được ký kết, thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ. Tuyên bố của Tổng thống cho thấy dường như chính đảng cầm quyền tin chắc vào sự ủng hộ của cử tri đối với văn kiện này. Chính phủ Colombia hy vọng nền hòa bình sẽ giúp mang đến sự bùng nổ đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác vàng, dầu và nông nghiệp ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 4 của Mỹ La-tinh.

Tuy nhiên kết quả kiểm phiếu lại gây bất ngờ lớn khi 50,23% cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình. Số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%. Theo lực lượng phản đối, với những người đứng đầu gồm các cựu Tổng thống Andrés Pastrana và Alvaro Uribe, họ không thông qua thỏa thuận hòa bình vì nếu văn kiện này có hiệu lực, nó sẽ giúp nhiều tay súng FARC được ân xá cũng như không giải quyết được cuộc chiến chống ma túy. FARC sẽ tham gia hợp pháp vào đời sống chính trị Colombia như một chính đảng và có thể cạnh tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào năm 2018, được đảm bảo có 10 ghế tại Quốc hội tới năm 2026. Đối với lực lượng phản đối, điều này thật khó chấp nhận khi cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Cựu Phó tổng thống Francisco Santos, người chống lại thỏa thuận hòa bình, cho biết ông hi vọng sẽ có một thỏa thuận tốt hơn.

Tiếp tục những nỗ lực còn dang dở        

Bất chấp thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu dân ý, 1 ngày sau khi kết quả được công bố, Tổng thống Juan Manuel Santos cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 52 năm qua. Phát biểu trên truyền hình, ông Santos tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới "ngày cuối cùng của nhiệm kỳ". Tổng thống cũng đã yêu cầu trưởng đoàn đàm phán Humberto de la Calle và Cao ủy Hòa bình Sergio Jaramillo trở lại La Habana (Cuba) để gặp các lãnh đạo của FARC. Trong khi đó, lực lượng FARC cũng ngay lập tức cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Colombia và thông báo họ vẫn sẽ duy trì lệnh ngừng bắn song phương như một việc làm cần thiết để giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân của cuộc xung đột, đồng thời là hành động tôn trọng thỏa thuận được ký kết với chính phủ quốc gia.

 Những phản ứng ôn hòa, thiện chí của chính phủ Colombia cũng như lực lượng FARC nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với tiến trình hòa bình ở Colombia và sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng quốc gia Nam Mỹ này để đạt được thỏa thuận. Đặc phái viên Jean Arnault của Liên hợp quốc đã được cử ngay tới Cuba để xem xét khả năng tiếp tục đàm phán.  Các quốc gia Nam Mỹ như  Ecuador, Argentina và Venezuela đều khẳng định sẽ luôn ủng hộ thiện chí đối thoại hòa bình của Colombia. 

Kết quả bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý trong ngày 2/10 vừa qua đã khiến thỏa thuận hòa bình ở Colombia trở nên mong manh. Những thách thức cho con đường hòa bình sắp tới của quốc gia Nam Mỹ này là không đơn giản. Có thể các bên sẽ phải cần thêm 10 năm nữa bên bàn đàm phán như nhận định của Bộ trưởng Nội vụ Colombia Juan Fernando Cristo song điều đó có lẽ sẽ không dập tắt nỗ lực của các bên cũng như hy vọng của những cử tri ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn về 1nền hòa bình lâu dài ở Colombia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu