Năm 2021 là năm để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV khi cả 2 kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ đều diễn ra trong bối cảnh đất nước chịu tác động lớn của dịch COVID - 19. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, những quyết định nhanh và kịp thời của Quốc hội đã thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ để hỗ trợ được nhanh nhất, kịp thời nhất và có hiệu quả nhất đối với khó khăn mà doanh nghiệp người dân đã và đang phải trải qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP |
3 tháng kể từ khi Quốc hội Khoá XV ra mắt quốc dân đồng bào (10/2021), cũng là quãng thời gian đất nước nỗ lực chống đại dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rằng: bước đầu, Quốc hội đã thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Vì sự phát triển bền vững của đất nước
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao để hoàn tất toàn bộ công tác nhân sự của nhiệm kỳ mới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Kỳ họp, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cả nhiệm kỳ. Các đại biểu Quốc hội đã thông qua, bầu hoặc phê chuẩn nhiều chức danh, trong đó có: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó chốt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: vtc.vn |
Năm 2021, Quốc hội khóa XV đã thể hiện rất rõ hình ảnh một Quốc hội hành động. Nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến phát triển đất nước được ban hành, tạo tiền đề cho công tác phòng chống dịch COVID - 19. Trong bối cảnh dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, Quốc hội cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực để huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đây là giải pháp chưa có tiền lệ.
Đáng chú ý, để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam. Diễn đàn đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đánh giá tổng quan vai trò của Quốc hội, trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nêu rõ: “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
Trách nhiệm và đổi mới
Trong 2 kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiều đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng. Quốc hội chia tổ thảo luận tại cả Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, với các Tổ họp tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội đã mời thêm lãnh đạo chính quyền địa phương, các sở ngành chuyên môn, các chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến về các nội dung trình Quốc hội, thực hiện chủ trương chung của Quốc hội về mở rộng dân chủ, đưa cuộc sống vào luật, vào nghị quyết.
Quốc hội cũng chủ động rút ngắn thời gian kỳ họp, bắt đầu thử nghiệm biểu quyết điện tử, không chỉ là giải pháp tình thế ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19 mà còn hướng đến việc xa dài hơn: Quốc hội có thể họp trực tuyến cả kỳ để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: “Chúng ta vừa thích ứng linh hoạt vừa đảm bảo đạt yêu cầu và phải có những đổi mới để thấy rằng Quốc hội bắt được nhịp hơi thở cuộc sống để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri nhân dân cả nước giao phó cho Quốc hội Việt Nam”.
Những kết quả trong hoạt động của Quốc hội năm 2021 tiếp tục khẳng định bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.