Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) hôm 2/4 đã được Quốc hội Gambia phê chuẩn, đưa tổng sổ thành viên phê chuẩn hiệp định lên 22, ngưỡng tối thiểu để AfCFTA có hiệu lực.
Như vậy, Hiệp định AfCFTA sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ thời điểm Liên minh châu Phi (AU) nhận đủ hồ sơ phê chuẩn của 22 quốc gia này. AfCFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất ở lục địa đen, mở ra cơ hội phát triển của châu lục trong tương lai.
Khi có hiệu lực, hiệp định xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa, tạo ra một thị trường chung châu Phi với hơn một tỷ người tiêu dùng và tổng GDP hơn 3 nghìn tỷ USD, biến châu Phi trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Hiệp định AfCFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội để châu Phi xóa đói giảm nghèo.hanoimoi.com |
Bước ngoặt cho tăng trưởng và liên kết khu vực
Tháng 3/2018, 49 trong tổng số 55 nước châu Phi đã ký AfCFTA nhằm tạo ra khu vực thương mại tự do rộng lớn, đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối lên 52% vào năm 2022. Với tổng GDP của các thành viên đạt 3 triệu USD, AfCFTA sẽ tạo điều kiện cho thương mại liên khu vực, thúc đẩy tăng trưởng và giúp xóa đói giảm nghèo.
AfCFTA được ký kết đúng vào thời điểm khi lợi ích của thương mại tự do bị thách thức, và các nước lớn trên thế giới vốn có truyền thống xem thương mại là động lực tăng trưởng thì giờ đây cũng đã nghi ngờ về các nguyên tắc của thương mại tự do. Vì thế, cơ hội để thương mại khu vực Châu Phi tăng tốc thông qua AfCFTA là rất lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ lệ xuất khẩu nội khối châu Phi trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực đã tăng từ 10% năm 1995 lên 17% năm 2017, nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của các châu lục khác.
Và đây là lý do có thể lạc quan thương mại sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở châu Phi. Theo kết quả dự báo của Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA), hiệp định AfCFTA sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu nội khối. AfCFTA sẽ là con át chủ bài để kích thích thương mại nội khối phát triển. Ước tính năm 2040, giá trị thương mại nội khối sẽ tăng thêm từ 15% (tương đương 50 tỷ USD) đến 25% (tương đương 70 tỷ USD), tùy thuộc vào các nỗ lực tự do hóa, so với khi chưa có AfCFTA.
Một điểm ưu việt của AfCFTA so với các Hiệp định thương mại tự do khác, đó là quy mô của nó đã vượt khỏi quy mô của một khu vực thương mại tự do truyền thống, vốn thường chủ yếu tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử....
Hiệp định AfCFTA còn đi kèm các sáng kiến cấp lục địa khác, bao gồm di chuyển thể nhân, tức là công dân châu Phi có thể du lịch trên khắp châu Phi mà không cần visa, có quyền trở thành công dân của bất kỳ quốc gia châu Phi nào, hoặc bất kỳ công dân châu Phi nào cũng có quyền thành lập doanh nghiệp hoặc thuê mướn lao động tại bất kỳ quốc gia châu Phi nào.
Bên cạnh đó, nhờ AfCFTA, nhờ lưu thông hàng hóa và dịch vụ miễn thuế, người dân tự do đi lại trên khắp lục địa cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đang thu hút 80% số việc làm và tạo ra 50% GDP của châu Phi.
Tận dụng cơ hội để bứt phá
Tiềm năng của Hiệp định AfCFTA là rất lớn, vì vậy, hiểu được các động lực chính của hiệp định và các biện pháp tốt nhất để khai thác cơ hội và vượt qua các rủi ro và thách thức là hết sức cần thiết. Hiện, mức chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên đang là một trở ngại lớn đối với tiến trình hội nhập và chương trình đạt được mục tiêu đã đề ra.
Chẳng hạn, Ai Cập, Nigeria và Nam Phi đóng góp hơn 50% GDP của châu Phi, trong khi 6 quốc đảo tại lục địa chỉ đóng góp 1% tổng lượng GDP trên. Nhưng dẫu sao, Hiệp định AfCFTA cũng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng ở lục địa đen, đa dạng hóa các nền kinh tế. Đây là một cơ hội lớn và hiện là thời điểm tốt để nắm bắt. Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng nội khối, một châu Phi hội nhập và liên kết còn giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu.