(VOV5) - Đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi phong trào Mùa xuân Arab bùng phát làm trấn động thế giới Hồi giáo. Trái với kỳ vọng ban đầu, những gì mà phong trào Mùa xuân Arab để lại ở các quốc gia mà phong trào này đi qua, cụ thể là ở Trung Đông và Bắc Phi, lại là sự bất ổn về chính trị, sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và sa sút về kinh tế. Một gam màu xám đang bao trùm khu vực này sau những gì mà phương Tây gọi là Mùa xuân Arab.
Quảng trường Tahrir, Cairo lại chật cứng người biểu tình chống chính phủ.
Tình hình chính trị, xã hội của các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi sau hơn 2 năm qua được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông thường là bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo. Tại nhiều nước, người dân lại đổ ra đường biểu tình đòi loại bỏ chính phủ mới do chính họ lập nên vì cho rằng chính phủ mới không tạo nên được sự thay đổi tích cực nào. Thậm chí, chính họ lại quay ra đối đầu với nhau để bảo vệ công bằng và dân chủ, những gì được coi là giá trị đích thực của Mùa xuân A-rập. Nghịch lý này khiến Trung Đông và Bắc Phi trở nên rối loạn và là tâm điểm chú ý của thế giới. Có lẽ, Ai Cập là ví dụ khá điển hình cho tình trạng này. Biểu tình đã trở nên phổ biến kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và du lịch nước này. Các cuộc tranh luận và tranh cãi xung quanh việc Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang rút lui, cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống, giải tán Quốc hội và xây dựng Hiến pháp mới. Căng thẳng chính trị khiến dự trữ ngoại tệ của Ai Cập giảm hơn một nửa, nạn thất nghiệp gia tăng, thâm hụt ngân sách tăng khoảng 27,5 tỷ USD.
Syria cũng là quốc gia được nhắc đến nhiều nhất vì những ảnh hưởng nghiêm trọng từ Mùa xuân Arab. Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Basa Al Assad và phe đối lập leo thang khiến hơn 42.000 người thiệt mạng. Sự bế tắc trong cuộc nội chiến khiến Syria tiếp tục là chiến trường của các xung đột sắc tộc, phe phái và cả những tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc ở khu vực và thế giới. Đời sống người dân không ngừng xấu đi. Liên hợp quốc đã cảnh báo nguy cơ nạn đói tại Syria có thể khiến khoảng một triệu người thiếu ăn trong mùa đông này. Trong khi đó, hàng triệu người dân Syria đã phải bỏ quê hương đi lánh nạn ở các quốc gia láng giềng.
Tình hình ở Lybia cũng không có gì sáng sủa hơn. Mặc dù quốc gia này đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ khi ông Gaddafi bị phế truất nhưng cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa chính phủ mới hiện nay và hàng trăm đội chiến binh vũ trang xuất hiện trong cuộc nổi dậy tiếp tục cản trở tiến trình hướng tới sự ổn định ở Lybia. Hàng chục nghìn người dân Lybia vẫn tiếp tục chạy nạn. Thêm vào đó là vụ tấn công vào tòa lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, làm thiệt mạng 4 người Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Chris Stevens ngày 11-9-2012 là minh chứng cho sự bất ổn sau việc lật đổ chính quyền Gaddafi, hệ lụy mà Mỹ không thể lường trước khi khơi lên Mùa Xuân Arab.
Tại nơi khởi nguồn của phong trào Mùa xuân Arab, Tunisia, cũng đang đối mặt với nguy cơ bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tham nhũng tràn lan và sự phát triển mạnh của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Tình trạng khẩn cấp thường xuyên được duy trì tại quốc gia Bắc Phi này.
Trong bối cảnh đó, báo cáo do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố mới đây cho thấy năm 2013, phần lớn các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Mùa Xuân Arab ở Trung Đông và Bắc Phi chỉ phục hồi chậm, với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao. Nguyên nhân một phần chính là những hệ lụy mà các nền kinh tế này phải gánh chịu do bất ổn xã hội. Ngoài ra, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình ở các nước như Ai Cập, Tunisia, Yemen được dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 4,7% của năm 2010, thời điểm trước khi bùng nổ các cuộc biểu tình. IMF cũng cảnh báo đồng nội tệ suy yếu ở những nước trên có thể sẽ khiến lạm phát leo thang lên mức 8,6% trong năm 2013 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.
Nhìn lại những gì đã xảy ra, nhất là trong năm 2012, ở những quốc gia mà phong trào Mùa xuân Arab đã đi qua, nhiều nhà phân tích nhận định rằng năm 2013 cũng sẽ không mang tới nhiều hy vọng sáng sủa hơn cho Ai Cập, Syria, Tunisia hay Libya. Các quốc gia này vẫn chìm trong bất ổn, chia rẽ. Đây quả là cái kết không ngờ mang nhiều hệ lụy mà người dân ở những quốc gia này được giới quan sát quốc tế gọi là Mùa xuân Arab./.