Hậu quả từ vụ đốt kinh Koran

Đoàn Thị Trung
Chia sẻ
(VOV5-) - Vụ lính Mỹ tại căn cứ quân sự Bagram ở Afghanistan đốt kinh Koran đang gây  nên không chỉ sóng gió trong quan hệ Mỹ-Afghanistan, mà còn gây  những bất lợi cho cả chính quyền Mỹ và chính quyền Afghanistan trong thời điểm nhậy cảm hiện nay. 

(VOV5-) - Vụ lính Mỹ tại căn cứ quân sự Bagram ở Afghanistan đốt kinh Koran đang gây  nên không chỉ sóng gió trong quan hệ Mỹ-Afghanistan, mà còn gây  những bất lợi cho cả chính quyền Mỹ và chính quyền Afghanistan trong thời điểm nhậy cảm hiện nay. 


Hậu quả từ vụ đốt kinh Koran - ảnh 1

Vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào binh lính NATO ở Afghanistan
(Ảnh: AFP)

Ngay khi tin tức về việc tìm thấy các cuốn sách của người Hồi giáo cháy dở trong đống rác tại căn cứ Bagram-căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan lọt ra ngoài, ngày 21/2 đã xảy ra các vụ biểu tình của người dân địa phương bên ngoài căn cứ quân sự này với khoảng hơn 2.000 người tham gia. Đến nay, đã một tuần trôi qua, làn sóng biển tình của người dân Afghanistan vẫn đang lan rộng và dẫn đến bạo lực, mặc dù giới chức Mỹ trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tư lệnh Mỹ tại Afghanistan Tướng John Allen  đã lên tiếng xin lỗi về vụ Kinh Koran bị đốt và cho rằng đây là “một tai nạn”, cũng như khẳng định những hành động này không phản ánh quan điểm, thái độ của quân đội Mỹ đối với các sinh hoạt tôn giáo của nhân dân Afghanistan. Cùng với đó là các vụ tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Afghanistan và nhằm vào lính Mỹ  và NATO tại Afghanistan, điển hình là vụ hai cố vấn quân sự Mỹ bị sát hại. Các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và đám đông người giận dữ đến nay đã khiến hàng chục người bị thiệt mạng. Làn sóng giận dữ lan sang cả nước láng giềng Pakistan khi ngày 24/2, tại thủ đô Islamabad và các thành phố lớn như Karachi hay thánh địa Multan ở miền Trung Pakistan, hàng trăm giáo sĩ và các nhà hoạt động có tư tưởng cứng rắn đã xuống đường biểu tình để phản đối vụ đốt kinh Koran. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ đốt kinh Koran. Còn nhớ hồi đầu tháng 4 năm ngoái, vụ việc mục sư Wayne Sapp tại một nhà thờ ở bang Florida (Mỹ) đốt một bản kinh Koran, cũng đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ âm ỉ giữa thế giới Hồi giáo và Mỹ. Và lần này, vụ việc mặc dù không cố ý, nhưng cũng dẫn đến hậu quả là châm ngòi cho những hành động xung đột bạo lực, thúc đẩy tư tưởng chống Mỹ tại Afghanistan, đẩy lực lượng nước ngoài tại Afghanistan vào tình thế nguy hiểm và khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước hồi giáo. Hơn nữa, vụ việc lần này, xảy ra vào thời điểm Mỹ đang nỗ lực ổn định tình hình Afghanistan trước khi rút quân khỏi quốc gia này vào năm 2014 và nước Mỹ cũng đang bước vào chiến dịch bầu cử Tổng thống, đang đặt Mỹ và NATO trước những khó khăn mới. Trong khi Mỹ đang rất cần các lực lượng NATO tăng cường hoạt động để có thể sớm ổn định tình hình thì Đức - quốc gia đóng góp quân lớn thứ ba trong lực lượng do NATO cầm đầu hoạt động tại Afghanistan sau Mỹ và Anh- ngày 23/2 đã rút sớm lực lượng của nước này khỏi một căn cứ ở Taluqan, sau khi khoảng 300 người Ápganixtan tiến hành một cuộc biểu tình hòa bình bên ngoài căn cứ này. Các lực lượng còn lại của Đức cũng sẽ rời khỏi đây trước cuối tháng Ba. Ngày 25/2, lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan cũng đã rút toàn bộ nhân viên của lực lượng này khỏi các cơ quan cấp bộ ở Kabul và các khu vực lân cận vì lý do “bảo vệ lực lượng”, sau khi xảy ra vụ hai cố vấn quân sự Mỹ bị bắn chết tại Bộ Nội vụ Afghanistan. Còn tại Mỹ, vụ việc cũng đang được phe Cộng hoà sử dụng để hạ điểm ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhà Trắng ngày 25/2 vừa qua cũng đã phải giải trình sau khi ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Newt Gingrich lớn tiếng phê phán ông Obama rằng “thật là sai lầm và hổ nhục vì đúng ngày lính Afghanistan bắn chết 2 lính Mỹ thì Tổng thống Mỹ lại gửi thư xin lỗi người Afghanistan”. Tại Afghanistan, tình hình lại trở nên khó kiểm soát khi lực lượng Taliban lợi dụng việc này,  kêu gọi người dân nước này "không ngừng biểu tình", tấn công và hạ sát các binh sĩ nước ngoài để trả thù.

Đã hơn 10 năm kể từ khi Mỹ và lực lượng NATO lật đổ Taliban. Song cũng chừng ấy năm an ninh vẫn chưa được khôi phục và người dân Afghanistan chưa một ngày được sống trong sự ổn định. Những nghi kỵ và đối kháng giữa người dân Afghanistan và lực lượng nước ngoài tại Afghanistan vốn chưa bao giờ được loại trừ, thì nay lại có dịp bùng lên sau hành động đốt kinh Koran vừa qua. Và vấn đề an ninh cho Afghanistan vốn đã nan giải, nay lại đứng trước nguy cơ trở nên khó kiểm soát hơn./.

 


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu