Ngày mai (10/8) là Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. 62 năm sau ngày xảy ra thảm họa da cam (1961 - 2023), Chính phủ Việt Nam vẫn luôn nỗ lực huy động nhiều nguồn lực trong nước đồng thời kết hợp với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ.
Đi bộ đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Báo Lao động và Xã hội |
Ngày 10 tháng 8 cách đây 62 năm, quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm từ năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam.
Khắc phục hậu quả chất độc da cam là vấn đề cấp bách, lâu dài
Chất độc da cam gây ra những hậu quả to lớn đối với con người và môi trường Việt Nam. Nhiều hệ sinh thái bị phá hủy, chưa thể phục hồi. Nhiều thế hệ người Việt Nam phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thần do bị nhiễm chất độc da cam. Chính phủ Việt Nam xác định việc khắc phục hậu quả chất da cam đối với môi trường và con người là vấn đề cấp bách, lâu dài.
Đối với nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, hằng tháng họ đều nhận được trợ cấp, được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam, được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em chịu hậu quả gián tiếp từ chất độc da cam, được đi học.
Ngoài ra, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã huy động nguồn lực để giúp các nạn nhân sửa chữa nhà cửa, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội. Trên toàn quốc có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Trong 6 tháng đầu năm nay, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam mang tính bền vững hơn khi tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, xông hơi, giải độc…
Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2023 (ngày 01/08, tại Hà Nội), Trưởng ban dân vận trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho biết: “Việt Nam ban hành nhiều chính sách để giải quyết hậu quả chất độc da cam. Nhà nước dành khoản ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng/năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân; hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng bởi chất độc da cam. Phong trào hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động (tháng 6/2011) đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.
Sự chung tay của bạn bè quốc tế
Trong nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc da cam, Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Hội nghị Ban chấp hành của Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) họp ở Damas, Syria, tháng 10/2009 đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ năm 2004 - 2009, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADJ) tổ chức Toà án Công luận quốc tế xét xử 37 công ty hoá chất của Mỹ vì cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Phù Cát (Bình Định) và trang bị cho Việt Nam Phòng thí nghiệm phân tích dioxin....Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng đã đến Việt Nam để tập huấn xông hơi, giải độc dioxin cho các nạn nhân. Chuyên gia độc tố Mark Antony Castro chia sẻ: “Quy trình tập huấn của chúng tôi được nâng cấp hơn trước. Chúng tôi trực tiếp trao đổi kiến thức với nhân viên y tế cách vận hành quy trình xông hơi theo đúng tiêu chuẩn. Từ đó, họ sẽ hiểu rõ hơn, vận dụng hiệu quả hơn, nắm vững thông tin hơn để xử lý được những bất cập, vấn đề của từng nạn nhân ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để có được liệu trình hiệu quả nhất”.
Về phía Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ đã phối hợp với Việt Nam hoàn thành chương trình tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng ( xử lý 90.000 m³ đất nhiễm độc); tẩy độc gần 30.000m2 đất sân bay Biên Hòa; thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam, ở nhiều tỉnh, như: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam...
Việt Nam có khoảng 5 triệu người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những hành động hỗ trợ từ phía chính quyền, cộng đồng trong nước cũng như của bạn bè quốc tế đã và đang góp phần giúp đời sống vật chất, tinh thần của họ bớt khó khăn hơn.