Giữ ổn định bộ máy, tạo tiền đề cho phát triển

Hồng Vân, Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - 470 đại biểu tham gia biểu quyết sáng 23/7 đồng tình thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), đạt tỷ lệ 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trong phiên họp sáng 23/7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết giữ nguyên cơ cấu của Chính phủ như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm 18 Bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Điều này được cho là cần thiết, đảm bảo sự ổn định bộ máy để tập thể Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Những thành quả điều hành kinh tế- xã hội, chống dịch COVID -19  trong 6 tháng qua của tập thể Chính phủ phần nào minh chứng cho sự điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội trong thời gian qua.                                                               

470 đại biểu tham gia biểu quyết sáng 23/7 đồng tình thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), đạt tỷ lệ 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội. Tỷ lệ này cho thấy sự đồng tình, thống nhất của các đại biểu Quốc hội với tập thể Chính phủ trong việc tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay đồng thời quan tâm đến việc thực hiện "mục tiêu kép" về phát triển kinh tế-xã hội.

Những thành quả không thể phủ nhận

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID - 19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tuy vậy, kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan. GDP tăng 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách đạt 58,3%. Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đây là những con số rất ấn tượng. GDP tăng 5,64% không phải là cao so với mục tiêu đặt ra, tuy nhiên có thể thấy rằng dù dịch bệnh phức tạp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn có xu hướng đi lên. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu Việt Nam có biện pháp tập trung khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan rộng thì đà tăng trưởng kinh tế như vừa qua sẽ giữ được. Vì vậy, đại biểu đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch.

Giữ ổn định bộ máy, tạo tiền đề cho phát triển - ảnh 1Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2021 và cho rằng, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng. Bày tỏ đặc biệt ấn tượng với nhiều con số, đại biểu Tuấn phân tích, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, tỷ lệ này là khá cao so với các nước trong khu vực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,2% chứng tỏ quy mô nền kinh tế không bị thu hẹp lại mà còn phát triển.Điều này cho thấy trong tình hình khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng để các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia khác về Việt Nam.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Vũ Hồng Thanh đã khẳng định rằng: Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Cơ sở để tiếp tục điều hành hiệu quả

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, phù hợp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Chính phủ tiếp tục tập trung điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) ủng hộ tinh thần quyết định đầu tư công có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nêu rõ: Hệ thống ngân hàng cần có chính sách, cũng như chiến lược quản lý có hiệu quả làm sao dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh. Qua đó thúc đẩy kinh tế bền vững, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, dưới sự tác động của COVID - 19.

Giữ ổn định bộ máy, tạo tiền đề cho phát triển - ảnh 2470 đại biểu tham gia biểu quyết sáng 23/7 đồng tình thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026). Ảnh:cand.com.vn

Sự ổn định của bộ máy chính phủ cũng giúp Chính phủ tập trung duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID - 19. Đại biểu Lương Quốc Doanh, đoàn An Giang, cho rằng: Đào tạo nghề cho nông dân cần đào tạo để chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Thứ hai là  quan tâm đào tạo kỹ thuật, kiến thức nông nghiệp cho người nông dân. Thứ ba là huấn luyện cho họ kỹ năng. Nếu người nông đân không thay đổi thì chắc chắn là phát triển nông nghiệp khó, xây dựng nông thôn mới khó thay đổi, tức là người nông dân phải là trung tâm.

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID -19. Đợt dịch với chủng mới Delta đã tác động nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang hết sức nỗ lực phòng chống dịch trên tinh thần "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết". Trong bối cảnh đó, việc giữ ổn định bộ máy Chính phủ là cần thiết để tập trung chống dịch, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu