Giỗ Tổ Hùng Vương - Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Mỗi người dân Việt luôn hướng về ngày Giỗ Tổ, tìm về với cội nguồn với tâm tưởng “uống nước nhớ nguồn”.

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Giỗ Tổ Hùng Vương  - Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - ảnh 1

Giỗ Tổ Hùng Vương  - Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Với những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không những trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, mà ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành chiếc cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, triều Nguyễn đã chính thức lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Năm 2007, Bộ luật Lao động của nước Việt Nam được sửa đổi, chính thức cho phép người lao động được nghỉ ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch. Và đặc biệt, năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó, đến nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng mang một ý nghĩa to lớn.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, khẳng định: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một giá trị văn hóa đặc trưng, có ý nghĩa giáo dục, ý thức cội nguồn, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, các giá trị về tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng cũng như các giá trị văn hóa tinh thần khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và đồng bào cả nước. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang lại giá trị tinh thần rất lớn để khuyến khích cộng đồng tiếp tục bảo tồn, bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa này, phát huy tinh thần cộng đồng dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước và các giá trị văn hóa của người Việt".

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Mỗi người dân Việt luôn hướng về ngày Giỗ Tổ, tìm về với cội nguồn với tâm tưởng “uống nước nhớ nguồn”, với lòng tôn kính biết ơn công lao của tổ tiên và tìm thấy những giá trị trường tồn trong những bài học quý báu của thời đại các Vua Hùng. Ông Nguyễn Văn Toàn, du khách Bắc Giang lần đầu tiên đến đất Tổ, chia sẻ: "Tôi đọc trong sách nhiều rồi nhưng bây giờ mới có điều kiện đến tìm hiểu về các Vua Hùng, thăm nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và có câu “Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và mình là người con Việt Nam thì dù thế nào đi nữa cũng phải đến Đền Hùng 1 lần, nơi sinh ra cội nguồn của dân tộc Việt Nam".

Có lẽ trên thế giới không có ở đâu mà cả nước cùng chung giỗ tổ tiên trong một ngày như ở Việt Nam. Người Việt có đạo hiếu thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc. Vì vậy, dù ở trong hay ngoài nước, mỗi người dân Việt Nam đều thực hiện nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước Châu Âu phát động triển khai Dự án ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”. Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài thành kính hướng về quê cha đất Tổ. Về ý tưởng này, ông Nguyễn Đắc Thủy cho rằng: "Chúng tôi cho rằng đây là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh. Trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cho nên ngày 10/3 là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương theo truyền thống, là ngày quốc lễ đã được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành là một ngày toàn dân được nghỉ ngơi và tham gia thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đồng bào ở nước ngoài cũng có thể thực hiện nghi thức này tại quốc gia mình sinh sống".

Không chỉ là cuộc hội tụ đông đủ, việc con cháu tề tựu về với tổ tiên biểu thị tinh thần cộng đồng, tự hào, tự tôn dân tộc, mãi mãi ghi tạc công lao các Vua Hùng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn mang một ý nghĩa to lớn trong thời đại mới. Đó là bài học toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái, trách nhiệm hơn với lời dạy của tiền nhân, phát huy nguồn lực, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu