(VOV5) - Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành khác của Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả nước đang có những bước chuyển dịch mạnh mẽ, ngành kinh tế xanh của Việt Nam với nhiều tiềm năng đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
|
Danh thắng non nước Tràng An - Ninh Bình, nơi được đoàn phim "Kong-Skull island" lựa chọn làm địa điểm thực hiện các cảnh quay của mình. Ảnh; Đức Anh |
Trong 15 năm qua (2001-2016), ngành du lịch Việt Nam đã phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tiềm năng trong lĩnh vực này còn rất lớn và để khai thác tối đa lợi thế của ngành, Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết 08 từ đầu năm 2017, xác định đến năm 2020, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP.
Những giải pháp then chốt
Để đạt được những con số ấn tượng đó, Chính phủ Việt Nam đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp then chốt, trong đó chú trọng đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Phát triển ngành du lịch cần sự góp sức của tất các cấp, ngành, người dân. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: Một trong những quan điểm mạnh mẽ đột phá của Nghị quyết là Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, có nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, trong đó, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương là rất quan trọng.
|
Danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh; Đức Anh |
Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được giới chuyên môn xem như “bệ phóng” sớm đưa ngành công nghiệp không khói cất cánh. Bởi lẽ, lâu nay, tài nguyên du lịch Việt Nam được đánh giá là giàu có khi xếp thứ 24/141 quốc gia nhưng lại đứng thứ 75/141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, cũng theo ý kiến của các nhà chuyên môn, Nghị quyết cho dù có hay đến đâu mà không tổ chức thực hiện tốt thì cũng không đi vào cuộc sống được. Cho nên vấn đề quan trọng nhất là phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống và muốn đưa được vào cuộc sống thì các cơ quan phải thể hiện trách nhiệm của mình với mức cao nhất. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình với vai trò là cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, khẳng định: Chúng tôi đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh dự thảo. Dự kiến, đầu tháng 4 tới sẽ hoàn thiện kế hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành. Chương trình hành động này sẽ xác định rõ: để triển khai những tư tưởng và những nhiệm vụ trong Nghị quyết thì cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì. Thứ 2 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, các địa phương và căn cứ vào đó thì từng bộ ngành địa phương sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Những tín hiệu khả quan
Ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng đầu năm liên tiếp đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong tháng 1, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt qua mốc 1 triệu lượt/tháng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2016. Tháng 2, lượng khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh đạt gần 1,2 triệu lượt. Tính chung 2 tháng đầu năm, đã có hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Và một sự kiện đặc biệt của ngành du lịch trong tháng 3 đó là bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” của Mỹ công chiếu với hầu hết cảnh quay được thực hiện ở những điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam.
|
Du lịch Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Đức Anh |
Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn của truyền thông quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Bộ phim không chỉ quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ của Việt Nam mà còn là gợi ý điểm đến cho du khách có thể trải nghiệm các loại hình sinh thái, mạo hiểm, địa hình cũng như khám phá văn hóa Việt Nam. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng: Đây tín hiệu tốt, là thành quả và nỗ lực chung của ngành du lịch của các bộ ban ngành liên quan và sự ban hành chỉ đạo của Chính phủ. Đạt được kết quả này là do chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến, các doanh nghiệp, các ngành du lịch nỗ lực về sản phẩm, về chính sách, về tạo môi trường điểm đến tốt hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn và công tác xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh hơn.
Rõ ràng, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá. Với những giải pháp then chốt, cụ thể cùng sự chỉ đạo, phối hợp xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, hy vọng ngành công nghiệp không khói của Việt Nam tiếp tục có những thay đổi tích cực hơn trong thời gian tới.