Đồng thuận xã hội trong triển khai Hiến pháp 2013

Linh Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, các đoàn thể và trong các cơ sở giáo dục, hướng tới mục tiêu nhiều người dân hiểu rõ và hiểu đúng về nội dung bản Hiến pháp.

(VOV5) - Việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 đã và đang được thực hiện sâu rộng trên toàn quốc. Đến thời điểm này, triển khai Hiến pháp luôn được các bộ, ngành ở Trung ương và cơ sở chú trọng.  Việc triển khai đạo luật gốc này cho thấy sự đồng thuận trong xã hội.

Đồng thuận xã hội trong triển khai Hiến pháp 2013 - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, các đoàn thể và trong các cơ sở giáo dục, hướng tới mục tiêu nhiều người dân hiểu rõ và hiểu đúng về nội dung bản Hiến pháp.


Đẩy nhanh tiến độ triển khai thi hành Hiến pháp


Với vai trò là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, việc triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng, được quan tâm và tổ chức một cách bài bản, khoa học trên phạm vi cả nước. Đáng chú ý, việc tạo ra cách hiểu đúng và thống nhất về nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp,  cho rằng: "Đối tượng nghe, tiếp thu, tiếp nhận Hiến pháp rất đa dạng, trình độ cũng như nhu cầu khác nhau. Vì vậy việc tuyên truyền phải cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng. Việc tuyên truyền phải liên tục, thường xuyên và lâu dài”.


Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền nội dung của bản Hiến pháp tới từng đối tượng, tùy theo trình độ, nhận thức pháp lý của người dân. Đơn cử, đến trung tuần tháng 3, các cơ quan, đơn vị và huyện, thành phố ở tỉnh Hoà Bình cơ bản hoàn thành việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp và các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Tiêu biểu như huyện Mai Châu, đến giữa tháng 3, có 13/23 xã, thị trấn xây dựng xong kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn.


Tại tỉnh Phú Thọ, đến thời điểm này, 10/10 xã, phường của thị xã Phú Thọ hoàn tất việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Toàn thị xã đã tổ chức 10 hội nghị ở cấp xã, phường và hơn 100 hội nghị ở khu dân cư với sự tham dự của trên 11.000 cán độ, đảng viên và nhân dân.


Đa dạng hoá hình thức, đa dạng hoá đối tượng


Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp 2013, các địa phương, đoàn thể cũng có nhiều hình thức để đạo luật gốc này đến với người dân thuận lợi nhất. Huyện Tân Lạc (Phú Thọ) sưu tầm, in ấn 231 bộ tài liệu tuyên truyền cấp cho các xóm, bản. Hệ thống loa truyền thanh công cộng của các xã, phường, thị trấn, xóm bản trong huyện cũng phát huy hiệu quả trong phổ biến Hiến pháp.


Tại tỉnh Bình Dương, bà Đỗ Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng tư pháp thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho biết: “Cơ quan thường trực đã biên soạn tài liệu hỏi đáp pháp luật để gửi cho các ban, ngành đoàn thể, cho các tuyên truyền viên. Quý 2 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Hiến pháp đến lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể ở các phường xã và các tầng lớp nhân dân".


Trong khi đó, các cơ sở giáo dục cũng có cách làm sáng tạo để cán bộ và học sinh, sinh viên hiểu về Hiến pháp. Giáo viên Trường THPT Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) thường lồng ghép nội dung Hiến pháp với nội dung bài học giáo dục công dân, giúp các em hiểu Hiến pháp là những điều thực tế, gắn với cuộc sống hàng ngày. Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể định kỳ hàng tháng; tổ chức sinh hoạt chuyên đề; lồng ghép vào bộ môn lý luận chính trị giảng cho sinh viên. Ngoài ra trường cũng tuyên truyền Hiến pháp thông qua hệ thống website. Trong khi đó, tại trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo sư - Tiến sỹ Thái Vĩnh Thắng, cho biết: "Việc triển khai Hiến pháp 2013 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với nhà trường. Tất cả cán bộ, giảng viên của trường đã biết về những điểm mới của Hiến pháp 2013. Trong năm 2014 chúng tôi sẽ viết lại giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam và sửa lại những giáo trình có phần liên quan. Trường cũng xây dựng tập san chuyên đề về những điểm mới của Hiến pháp 2013 và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành. Giáo viên trong trường sẽ tham gia viết cuốn Bình luận Hiến pháp năm 2013. Sau khi viết sẽ xã hội hoá kết quả  để các cơ sở đào tạo khác sử dụng và làm công cụ tuyên truyền về Hiến pháp. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tổ chức cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp cho sinh viên vào tháng 5”.


Hiến pháp là đạo luật quan trọng. Việc các cấp cơ sở tích cực đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013 vừa giúp nhân dân hiểu rõ về Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp đồng thời vừa giám sát bộ máy Nhà nước thực hiện các quy định của đạo luật gốc này./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu