Đối thoại, cách tối ưu để giải quyết những quan điểm khác biệt về nhân quyền

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Trong một tuyên bố đầu tiên, ngay sau khi Báo cáo nhân quyền của Mỹ đưa ra, hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: Đảm bảo quyền con người là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các nước còn có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

(VOV5) - Như tin đã đưa, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây công bố “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2013”, đề cập vấn đề quyền con người của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc ghi nhận những tiến bộ, báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Để nâng cao tính xác thực và khách quan trong những đánh giá về tình hình quyền con người ở Việt Nam, Việt Nam luôn xác định tăng cường đối thoại với các nước trong lĩnh vực này. 

Trong một tuyên bố đầu tiên, ngay sau khi Báo cáo nhân quyền của Mỹ đưa ra, hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: Đảm bảo quyền con người là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các nước còn có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

Trong khi đó, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động Uzra Zeya trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Mỹ mới đây, cũng khẳng định: Phương cách tốt nhất để giải quyết bất đồng giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề  quyền con người là thông qua đối thoại và tương tác. Sự tương tác với xã hội dân sự như vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong cách tiếp cận về vấn đề nhân quyền của Mỹ đối với Việt Nam.


Đối thoại, cách tối ưu để giải quyết những quan điểm khác biệt về nhân quyền - ảnh 1
Theo bà Zeya, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hiểu biết lẫn nhau qua nhiều kênh để giải quyết những khác biệt trong vấn đề quyền con người.


Đối thoại thẳng thắn, cam kết tiếp thu

Có thể thấy rõ trên thực tế, kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995 đến nay, Mỹ và Việt Nam đã tổ chức 17 phiên đối thoại về nhân quyền và trao đổi thẳng thắn về các vấn đề mà mỗi bên quan tâm. Qua đó, những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực liên quan tới quyền con người tại Việt Nam, đã được chính phía Mỹ ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất trong số các quốc gia ứng cử. Và mới đây nhất, ngày 7/2, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.

Có được sự ghi nhận đó là do có sự đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc. Không chỉ tiếp thu, Việt Nam còn cam kết làm rõ những khuyến nghị của các nước, coi đó là những tham chiếu cụ thể để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đảm bảo quyền tự do cơ bản của người dân tốt hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia kỳ họp tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa qua, cho biết: “Ngay sau khi nhận được các khuyến nghị, Việt Nam đã họp và rà soát. Hầu hết các khuyến nghị phù hợp với đường lối đổi mới của chúng ta, với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn về nhân quyền ở Việt Nam. Đây sẽ là sự bổ sung hữu ích, giúp chúng ta có thể xác định rõ hơn những ưu tiên thúc đẩy về bảo vệ quyền con người. Chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện những khuyến nghị và tôi cho rằng đây là cam kết cao nhất của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”.

Cộng đồng quốc tế ghi nhận thành tựu nhân quyền Việt Nam

Hệ thống pháp luật liên quan đến các chính sách về quyền con người ngày càng hoàn thiện; phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội đi liền với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn... Đó là những thành tựu của Việt Nam mà không ai có thể phủ nhận được. Cộng đồng quốc tế đã có sự nhìn nhận nghiêm túc, thẳng thắn và đầy biện chứng về việc thực thi quyền con người của Việt Nam. Sự nhìn nhận này đã được chứng minh trên thực tế. Tuy vậy, đó đây vẫn còn có những tiếng nói thiếu thiện cảm về vấn đề quyền con người ở Việt Nam. Có thể vì mục đích khác nhau, vì động cơ khác nhau, hay áp đặt những định kiến chủ quan…. Với những quan điểm “ngược chiều” đó, Việt Nam luôn xác định đối thoại là kênh quan trọng nhất để gỡ bỏ những khác biệt. Đại sứ Việt Nam  tại Liên hợp quốc Lê Hoài Trung cho biết: “Đặc thù một số nước hiện nay là kích động, gián tiếp kích động khủng bố. Đối với Việt Nam, một đất nước mà đã trải qua một quá trình chiến tranh lâu dài, vẫn còn có những lực lượng muốn gây bất ổn về mặt xã hội. Thực tế, Việt Nam là một nước đa sắc tộc với 54 dân tộc nhưng chưa bao giờ có chiến tranh sắc tộc, thì những phần tử kích động, tạo ra xung đột sắc tộc, gây mất ổn định xã hội là không thể chấp nhận. Chúng ta thường xuyên giải thích những điều đó thì các nước đều nhìn nhận và thừa nhận”.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Việt Nam là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước, tích cực tham gia các hợp tác quốc tế để thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Đây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi những nỗ lực liên tục. Trong quá trình đó, thúc đẩy tinh thần đối thoại tiếp tục là ưu tiên của Việt Nam, qua đó khẳng định mạnh mẽ cam kết của chính phủ Việt Nam về thúc đẩy quyền con người./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu