Đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững

Huyền Điệp
Chia sẻ
(VOV5) - Hội đồng Hòa bình thế giới luôn là điểm tựa cho các phong trào tiến bộ vì hòa bình trên thế giới.

Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới khai mạc hôm nay (22/11), tại Hà Nội. Khoảng 200 đại biểu, trong đó có khoảng 100 đại biểu và khách mời quốc tế đến từ 49 quốc gia thuộc các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới, tham dự.

Đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững - ảnh 1Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam chuẩn bị lên đường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tháng 4/2022. Ảnh: Trọng Đức/ TTXVN

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, cho thấy sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung. 

Sau hơn 70 năm thành lập, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn giữ vững mục tiêu tôn chỉ của mình: đó là thúc đẩy xây dựng hòa bình cho tất cả, đấu tranh và ủng hộ đoàn kết với nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, công lý, độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Với mục đích này, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn là điểm tựa cho các phong trào tiến bộ vì hòa bình trên thế giới.

Hơn 7 thập kỷ Việt Nam đồng hành cùng Hội đồng hòa bình thế giới

Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1949. Hơn 7 thập kỷ qua, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đồng hành với Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới. Đây là lý do Hội đồng Hòa bình thế giới lựa chọn tổ chức Đại hội lần thứ 22 tại Việt Nam.

Ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban hòa bình Việt Nam, khẳng định: "Sự tham gia của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới đã được bạn bè quốc tế và các thành viên của Hội đồng ghi nhận. Thứ hai, Việt Nam là đất nước thanh bình, ổn định, đang đổi mới, hội nhập và phát triển. Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và rất thân thiện, giàu lòng mến khách, thủy chung, tình nghĩa".

Đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững - ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hơn hai năm qua, trong bối cảnh thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là những yếu tố khiến những nước thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới thấy rằng Việt Nam là địa điểm phù hợp để tổ chức đại hội lần này.

Việt Nam chuyển tải thông điệp về giá trị của hòa bình, đoàn kết quốc tế

Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện vị trí, vai trò là thành viên sáng lập Hội đồng Hoà bình thế giới, đồng thời tham gia rất tích cực, chủ động vào các hoạt động của Hội đồng. Nổi bật như: Hưởng ứng lời kêu gọi Stockholm về cấm vũ khí hạt nhân; Tham gia tích cực vào diễn đàn chống vũ khí hạt nhân của Hội đồng Hòa bình thế giới…Năm 2017, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới tại Hà Nội.

Việt Nam cũng vinh dự được Hội đồng Hòa bình thế giới sáng lập Giải thưởng Hồ Chí Minh để trao tặng cho những nhà hoạt động hòa bình, các chiến sỹ hòa bình. Điển hình, năm 1980, đã trao cho các nhà lãnh đạo phong trào hòa bình của Palestine , Namibia, Nam Phi. Điều này khẳng định tiếng nói, vai trò, uy tín của Việt Nam, của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đối với Hội đồng Hòa bình thế giới.

Tổ chức đại hội Hội đồng hòa bình thế giới lần này là trách nhiệm, cũng là vinh dự rất lớn của Việt Nam nói chung, Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng, đồng thời là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử, truyền thống đấu tranh, gìn giữ độc lập, tự do của đất nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như về những thành tựu đổi mới đất nước.

Chủ tịch Ủy ban hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu nhấn mạnh: "Qua đại hội lần này, chúng ta muốn gửi đến bạn bè quốc tế thông điệp, hình ảnh của Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Ta cũng muốn giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung. Đây cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với vai trò, giá trị của hòa bình, đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, để thấy rằng đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cũng là một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Ngày nay, khái niệm bảo vệ, gìn giữ hòa bình đã được hiểu theo nghĩa rộng hơn: Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh, hòa bình còn bao gồm vấn đề về sự phát triển, môi trường, quyền con người, công lý và lẽ phải. Từ nhận thức đó, Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng hơn, đúng như thông điệp tại Đại hội lần thứ 22 Hội đồng hòa bình thế giới 2022: Đó là đoàn kết quốc tế, chung tay hành động vì hòa bình, hợp tác và sự phát triển bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu