Diễn đàn kinh tế phương Đông – Cú hích cho nước Nga trong bối cảnh mới

Anh Tú / VOV- Liên bang Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Diễn đàn Kinh tế Phương Đông là cơ hội để Nga tìm kiếm những giải pháp, những quan hệ đối tác tin cậy để tháo gỡ những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ VII (EEF-2022) đang diễn ra tại Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU) ở thành phố Vladivostok của Liên bang Nga. Diễn ra trong 4 ngày từ 5/9, EEF-2022 với chủ đề “Con đường hướng tới thế giới đa cực”, thảo luận về sự phát triển của khu vực Viễn Đông, nền kinh tế toàn cầu và khu vực, hợp tác quốc tế, cũng như quỹ đạo vượt qua khủng hoảng và cấu trúc mới của thế giới. Quan trọng hơn cả, EEF-2022 được cho là cơ hội để Moscow gửi thông điệp, các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi các mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là phá hủy các mối quan hệ kinh tế.

Diễn đàn kinh tế phương Đông – Cú hích cho nước Nga trong bối cảnh mới - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: CFP

EEF là diễn đàn quốc tế quan trọng để tạo dựng và tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư của Nga và thế giới, đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông của Liên bang Nga, giới thiệu các cơ hội đầu tư và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Hướng tới thế giới đa cực

Diễn đàn năm nay đăc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Liên bang Nga phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Hơn nữa, từ vài năm qua Nga đã xác định chính sách xoay trục sang châu Á, vì vậy diễn đàn có thể xúc tiến những đề xuất của Liên bang Nga với các nước châu Á, lấy khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên làm bàn đạp, để cụ thể hóa các sáng kiến này. 

Trong thông điệp gửi tới những người than gia diễn đàn, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh, chủ đề chính của cuộc gặp năm nay dường như rất phù hợp và có ý nghĩa. Mô hình đơn cực lỗi thời đang được thay thế bằng một trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc cơ bản của công bằng và bình đẳng, công nhận quyền của mọi quốc gia và mọi người đối với con đường phát triển có chủ quyền của mình. Từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nước này đứng đầu thế giới về số lượng các lệnh trừng phạt bị áp đặt trên nhiều phương diện. Các lệnh trừng phạt chống Nga được áp đặt không chỉ từ hồi cuối tháng 2/2022, mà là từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Do đó, có thể tin rằng, hướng tới một thế giới đa cực, đa trung tâm đã được Nga ấp ủ từ lâu. Bối cảnh hiện tại chỉ thúc đẩy thêm xu hướng đó.

Cơ hội để Nga gỡ thế khó

Nền kinh tế Nga đã trải qua hơn 6 tháng chống đỡ trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông là cơ hội để Nga tìm kiếm những giải pháp, những quan hệ đối tác tin cậy để tháo gỡ những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt. Hướng đông đang trở thành hướng chính trong việc củng cố nền kinh tế của Nga khi đối mặt với các lệnh trừng phạt mà các nước không thân thiện áp đặt. Sự tái định hướng của các ngành công nghiệp Viễn Đông đang diễn ra, các nhà sản xuất trong nước của Nga đang nâng cao tay nghề, xây dựng năng lực, làm chủ công nghệ mới.

Diễn đàn kinh tế phương Đông – Cú hích cho nước Nga trong bối cảnh mới - ảnh 2Một cuộc thảo luận của các nhà tài trợ trong khuôn khổ EEF diễn ra ngày 05/09. Nguồn: sggp.org.vn

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay, triển lãm “Phố Viễn Đông” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Phương Đông với khẩu hiệu “Bạn đã làm gì cho chiến thắng công nghệ của Nga?”, đặc biệt nhấn mạnh vào việc trình bày các khả năng thay thế nhập khẩu và sự độc lập về công nghệ của các vùng Viễn Đông, khả năng tự cung tự cấp các sản phẩm lương thực. Bởi vì, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với Nga, đó là bị hạn chế tiếp cận các công nghệ của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, nếu không muốn nói là có nguy cơ bị tụt hậu. Nga một mặt phải phát huy nội lực để phát triển các giải pháp công nghệ thay thế, mặt khác, đang tích cự tìm kiếm sự hợp tác từ các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu…

Chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình của Diễn đàn là các cuộc đối thoại kinh doanh “Nga - Ấn Độ”, “Nga - ASEAN”, “Nga - Mông cổ”, cuộc họp của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga và các tỉnh Đông Bắc -Trung Quốc, hội nghị thương mại và đầu tư vùng Bắc cực.

Theo giới chuyên gia, dưới áp lực của các lệnh trừng phạt cũng như tình hình phức tạp khác, việc Nga vẫn có thể tổ chức Diễn đàn kinh tế Phương Đông lần thứ VII với sự tham gia của các đại diện từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, đây là cơ hội tốt để Nga tháo gỡ những khó khăn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu