Đề án Chính quyền đô thị TPHCM: Phù hợp với điều kiện đặc thù kinh tế - xã hội

Cao Thoa/VOV-TPHCM
Chia sẻ
(VOV5)- Trong những ngày tới, đề án Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đề án này, mô hình Chính quyền đô thị mà TPHCM đề xuất giải quyết được các vấn đề lớn, khắc phục bất cập về quản lý và phát triển đô thị như mô hình tổ chức hiện nay. Vì vậy đề án được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển.
(VOV5)- Trong những ngày tới, đề án Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đề án này, mô hình Chính quyền đô thị mà TPHCM đề xuất giải quyết được các vấn đề lớn, khắc phục bất cập về quản lý và phát triển đô thị như mô hình tổ chức hiện nay. Vì vậy đề án được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để TPHCM phát triển.

Đề án Chính quyền đô thị TPHCM: Phù hợp với điều kiện đặc thù kinh tế - xã hội - ảnh 1
Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Báo Thanh niên

Qua thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh, mô hình tổ chức HĐND và UBND theo pháp luật hiện hành chưa có sự phân định rõ trong quản lý hành chính nhà nước ở đô thị với nông thôn. Về cơ bản, thẩm quyền, mô hình tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh không khác nhau. Tổ chức chính quyền quận, huyện, phường trên địa bàn thành phố không tương thích với nhiệm vụ quản lý một cộng đồng đô thị bên cạnh đó mô hình tổ chức các cấp chính quyền tại thành phố hiện hành thể hiện thiếu đồng bộ, chưa dựa vào đặc trưng của đô thị.

Đổi mới tổ chức bộ máy để phù hợp xu thế phát triển

Theo đề án, chính quyền đô thị TP HCM là hình thức chính quyền địa phương tại một đô thị đặc biệt, được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển và tính chất yêu cầu hợp lý của từng địa bàn (địa bàn đã phát triển, địa bàn đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn). Chính quyền TP HCM có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở.

Riêng 13 quận nội thành không tổ chức thành lập chính quyền mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Sau khi tổ chức 4 thành phố mới, diện tích còn lại của vùng nông thôn là hơn 1.300 km2 sẽ tổ chức thành các xã, thị trấn cũng có chính quyền cơ sở, tương đương chính quyền 4 thành phố vệ tinh.

Nếu đề án được triển khai, điều dễ nhận thấy nhất là bộ máy sẽ được tinh gọn tối đa, cải cách hành chính sẽ triệt để hơn, hạn chế hiện tượng cùng một hồ sơ phải chuyển qua nhiều cấp như hiện nay. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Khi người dân tìm đến chính quyền thì sẽ được giải quyết một lần thôi chứ không chuyển hồ sơ xin ý kiến từng cấp. Không như hiện nay là chính quyền 3 cấp, từ phường lên quận, lên thành phố, người dân chờ đợi mỏi mòn. Bây giờ một cấp chính quyền, có cơ quan đại diện, đến gặp cơ quan đại diện thì coi như chính quyền đã giải quyết.

TPHCM kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi ủy quyền với những nhu cầu thực hiện phát triển đô thị. TPHCM kiến nghị Trung ương phân cấp cho thành phố các thẩm quyền: quản lý tài chính công, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; phân cấp trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, cho biết: Các vấn đề phân cấp xác định rõ việc gì của trung ương, việc gì trung ương và địa phương cùng làm hay là trung ương ủy quyền cho địa phương. Địa phương có quyền gì riêng trên cơ sở toàn bộ các mặt tài chính, ngân sách, kinh tế, đầu tư, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng…Điều này là để góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo làm rõ dân muốn gì và chính quyền phải làm gì, đàm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.

Đặt lợi ích của dân lên hàng đầu

Theo đề án, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND nên thành phố kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách). Kiến nghị này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND. 

Cùng với đó, xây dựng chính quyền đô thị phải đúng bản chất của một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Vì vậy trong quá trình thực hiện, đề án quan tâm xây dựng chính quyền cơ sở, nơi gần dân nhất, để phục vụ dân tốt hơn.

TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng đối với khu vực phía Nam và cả nước nên việc tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với xu hướng chung của thời đại là bước đi quan trọng. Đề án này khi được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ tạo đà cho thành phố phát triển nhanh, củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu