Gần 1 tháng sau khi được thành lập, ngày 20/9, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một loạt nhiệm vụ được đề ra cho thấy sự quyết tâm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam vì đây là xu hướng tất yếu để có 1 nền hành chính công hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Theo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 nước trong khu vực ASEAN. Thực hiện Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0) năm 2015, đến nay đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu và xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử và đến nay đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn một số tồn tại trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu
Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp |
Từ đó đến nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử được các bộ, ngành, địa phương triển khai trên nhiều lĩnh vực nhằm công khai hoạt động của cơ quan Nhà nước. Những cố gắng đó giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan, Philippines).
Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng mức xếp hạng này vẫn là thấp so với khu vực và thế giới. Nhìn vào thành quả của các nước trên thế giới, có thể nói, triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét: Hiện nay việc xây dựng chính phủ điện tử là nhu cầu hết sức cần thiết của các quốc gia trong quá trình cải cách, nó gắn liền với sự phát triển của Chính phủ . Việt Nam cũng vậy. Khi chúng ta chuyển dần từ tự động hóa đến số hóa là nhu cầu khách qua. Việt Nam đã xây dựng chính phủ điện tử được gần 20 năm, đã đạt những thành tự ban đầu nhưng những thành tựu đạt được còn hạn chế.
Đồng lòng triển khai trong thời gian tới
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về xây dựng Chính phủ điện tử và kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có chuyển biến tích cực. Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 20/9, cho biết Bộ đang hoàn thiện việc chỉnh sửa Kiến trúc Chính phủ Điện tử để nhanh chóng trình Chính phủ thông qua trong năm 2018 trên tinh thần cụ thể hóa để các bộ, ngành đều dễ triển khai. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, nhất là dữ liệu dân cư. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta muốn thể hiện một tinh thần, một quyết tâm chính trị cao và quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc để tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam, nâng hạng Chính phủ điện tử ở Việt Nam để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tốt nhất. Chính vì vậy phải biết cách tổ chức công việc, phân công công việc, đôn đốc triển khai công việc một cách hợp lý. Và hải có một kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện, không để ảnh hưởng đến tiến độ trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng cũng giao cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. Ngay trong tháng 10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, để trình Thủ tướng xem xét, ban hành....
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về xây dựng Chính phủ điện tử ở từng cấp, từng ngành. Với những nỗ lực này, trong thời gian tới, sẽ có chuyển biến tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam, góp phần thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.