Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để xây dựng và phát triển đất nước

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Ngoại giao kinh tế cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; gắn bó, tác động lẫn nhau.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngoại giao kinh tế phải tiếp tục phát huy vai trò, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác; tiếp tục đưa quan hệ kinh tế nói riêng và quan hệ song phương nói chung đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Theo tinh thần đó, Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế, diễn ra hôm nay tại Hà Nội, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế.

Ngoại giao kinh tế cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hoạt động ngoại giao kinh tế của Việt Nam đang được triển khai theo tinh thần Chỉ thị  số 15-CT/TW, trong đó xác định“Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững”

Những thành tựu đáng ghi nhận

Dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, ngành ngoại giao đã thể hiện sự chủ động, nhạy bén trong việc nhanh chóng chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển đất nước. Công tác ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các bộ, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa chủ trương của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, tạo xung lực mới để các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai hiệu quả hơn công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Chúng ta xác định là xây dựng một nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân địa phương, doanh nghiệp là trung tâm. Rõ ràng, công tác ngoại giao kinh tế chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi có sự ủng hộ, sự phối hợp chặt chẽ và sự tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao mong muốn được nắm bắt sâu hơn nhu cầu phát triển cũng như hội nhập quốc tế của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó đề ra các biện pháp, các kế hoạch phát triển công tác ngoại giao kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành ngoại giao đã cùng với các ngành tiếp tục đóng góp vào nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp. Trong hơn 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều chỉ đạo sát sao và trực tiếp thúc đẩy tối đa các nội dung kinh tế. Các chuyến công tác nước ngoài của các vị lãnh đạo chủ chốt cũng như các chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước đều đạt những kết quả, thỏa thuận cụ thể, thiết thực về kinh tế. Công tác đối ngoại đã bám sát phương châm tranh thủ mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để xây dựng và phát triển đất nước - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế năm 2023. Ảnh: VGP

Ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp nhằm đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế; kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực mới cho phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, đầu tư những ngành công nghệ cao… Điển hình là việc Nhóm G7 (Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển), châu Âu và Việt Nam đã có tuyên bố chính trị về quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), huy động nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; Tập đoàn Lego đã khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Bình Dương; Samsung khánh thành Trung tâm Nghiên cứu phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Bộ Ngoại giao cũng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để Việt Nam kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.Triển khai chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 50 đoàn làm việc với 25 địa phương, tổ chức khoảng 70 hoạt động kết nối giữa các địa phương với đối tác, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Định hướng ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới

Chỉ thị 15-CT/TWngày 10/8/2022 của Ban Bí thư là định hướng quan trọng cho công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước đến năm 2030. Để triển khai Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì hai Hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tháng 9/2022 và Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine và bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới tháng 11/2022. Tháng 3 năm nay, Thủ tướng tiếp tục chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế năm 2023. Tại đây, Thủ tướng nêu rõ: "Tôi mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất, hiệu quả.Tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân".

Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao có kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới theo phương châm kiên định và nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Bộ cũng xác định công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính sách ngoại giao kinh tế là then chốt, luôn đổi mới phương pháp, cách làm ngoại giao kinh tế cho phù hợp với tình hình mới, tất cả vì mục tiêu phục vụ đất nước và nhân dân. Bộ đã huy động sự đoàn kết thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp nhằm triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm“Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu