Tại khóa họp lần thứ 41 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc (LHQ) ngày 4-7-2019 tại Geneva (Thụy Sĩ), Báo cáo quốc gia định kỳ của Việt Nam, theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (chu kỳ III) về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được các thành viên đồng thuận thông qua. Kết quả này là dấu mốc mới cho thấy những thành tựu nhân quyền Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế do Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) thành lập từ năm 2008. Đây là cơ chế công khai rà soát định kỳ về tình hình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên hợp quôc. Theo cơ chế UPR, báo cáo quốc gia được trình bày trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tại Khóa họp thứ 40 Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 25/2 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Ảnh: TTXVN |
Những thành quả ấn tượng
Tại phiên họp của hội đồng nhân quyền LHQ mới đây, đại diện Việt Nam tập trung làm rõ việc thực hiện 175 khuyến nghị về Việt Nam từ chu kỳ II năm 2014 đến nay; tái khẳng định chính sách nhất quán về tăng cường bảo vệ và thúc đẩy quyền con người… đồng thời thông tin cập nhật về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp; các thành tựu bảo đảm các quyền dân sự chính trị; kinh tế-xã hội và văn hóa. Trên lĩnh vực quyền kinh tế, báo cáo năm nay tập trung làm rõ thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội…
Trên lĩnh vực quyền dân sự chính trị, báo cáo làm rõ Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền tiếp cận thông tin, nhất là với thông tin trên internet, mạng điện tử; đời sống tín ngưỡng tôn giáo được Nhà nước Việt Nam bảo hộ và giúp đỡ. Việt Nam cũng khẳng định đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017.
Điển hình cụ thể về chăm lo và phát triển con người
Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị của Việt Nam, trước hết được thể hiện trong bầu cử, ứng cử. Hiện trong Quốc hội Việt Nam có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 133 đại biểu là phụ nữ, 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Lần đầu tiên, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ giới. Hoạt động của Quốc hội trong những năm qua thể hiện rõ tính dân chủ, thẳng thắn, đổi mới theo hướng thực hiện tốt hơn cơ chế “kiểm soát” quyền lực. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Điển hình như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ năm 2018, đã mở rộng đối tượng được đảm bảo quyền tín ngưỡng tôn giáo đến từng công dân và cả người nước ngoài tại Việt Nam.
Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí cũng được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hiện Việt Nam có số lượng lớn các cơ quan báo chí, bao gồm 858 báo chí in; 105 báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ năm 2019 đã bảo đảm môi trường an ninh trên internet, mạng xã hội cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện tại, Việt Nam có 35 triệu người sở hữu tài khoản Facebook; trong đó 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có tốc độ phát triển internet nhanh nhất khu vực và là quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á.
Nói đến thành tựu bảo đảm quyền con người không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Còn nhớ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới tham gia ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”, năm 1989. Về quyền của nữ giới, từ năm 2010 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 40 đạo luật; trong đó, quyền của nữ giới được lồng ghép đầy đủ trong hệ thống pháp luật quốc gia. Trong lĩnh vực lao động-việc làm, hiện nay lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao và đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%.
Cho đến nay, Việt Nam đã hai lần được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng nhân quyền (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2014-2016). Hiện Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2015-2019) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2017-2021). Tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ ngày 7-6-2019, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong thực tế, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, uy tín Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.