Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung

PV
Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp phần tích cực vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 12/7 theo lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại – Quốc hội Trung Quốc) Lật Chiến Thư. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương tiếp tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp phần tích cực vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung - ảnh 1

Quốc kỳ hai nước Việt Nam và Trung Quốc

Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, chuyến thăm này cũng là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Trung Quốc kể từ sau khi Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội 19 vào cuối năm 2017.

Những điểm nổi bật trong quan hệ Việt-Trung

Những năm gần đây, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác song phương Việt – Trung có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác kinh tế ngày càng mật thiết, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cả hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua có nhiều điểm nổi bật. Thứ nhất, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển ổn định và không ngừng đi vào chiều sâu, sự tin cậy về chính trị được tăng cường. Các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra thường xuyên hơn và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng phát triển. Hiện cả hai nước đã trở thành đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau. Trung Quốc liên tục 15 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kể từ 2004). Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại hai nước trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng 12,6%, đạt 43,5 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ. Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn FDI. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi nhấn mạnh:"Điều tôi mừng nhất là bên cạnh quy mô tăng trưởng thương mại rất nhanh thì doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng tốt và 3 năm gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta vào Trung Quốc nhanh hơn tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, giúp giảm dần quy mô nhập siêu, đặc biệt là những mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản…".

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân đã thực sự trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước. Giao lưu nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư song phương. Trong những năm gần đây, cả Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành điểm đến ưa thích hàng đầu của người dân hai nước. Trong năm 2018, lượng khách du lịch giữa hai nước đạt gần 10 triệu lượt người. Trong 6  tháng đầu năm nay, Việt Nam đón gần 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc. Các kênh giao lưu hữu nghị nhân dân giữa hai nước tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả tích cực. Tiếng Việt đã trở thành một trong những ngoại ngữ ngày càng được nhiều sinh viên Trung Quốc lựa chọn. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này, Việt Nam tổ chức “Ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc” để người dân Trung Quốc cảm nhận rõ hơn một Việt Nam ổn định, phát triển, yêu chuộng hòa bình, mến khách và có một nền văn hóa đặc sắc.

Đặc biệt, tuy tình hình Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng cả hai bên đều nhất trí cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực này. Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định: "Trong các cuộc hội đàm, trao đổi chính thức gần đây, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm chung của cả hai bên cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thúc đẩy giải quyết những vấn đề còn khác biệt, còn tồn tại giữa hai nước. Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN tuân thủ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".

Tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Trên cơ sở đó, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước, hai Quốc hội phát triển tích cực trong thời gian tới; đẩy mạnh tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp; phát huy vai trò hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc Chính phủ hai nước thực hiện các nhận thức chung, các thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, triển khai tích cực các hiệp định và thỏa thuận đã đạt được; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, phối hợp trong việc bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Chuyến thăm, cũng đồng thời thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu