Dấu ấn công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2022

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2022 là một năm thành công về công tác đối ngoại của Việt Nam, với nhiều hoạt động ngoại giao song phương, đa phương sôi nổi; góp phần đẩy mạnh sự hội nhập và phát triển đất nước.

Năm 2022, trong bối cảnh thế giới chuyển sang trạng thái thích ứng sau đại dịch Covid-19, ngoại giao song phương trở thành điểm nhấn trong hoạt động ngoại giao Việt Nam với hàng loạt chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đáng chú ý là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022. Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài tới Trung Quốc ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy sự coi trọng của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Dấu ấn công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2022 - ảnh 1Ông Dương Đan Chí, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ảnh: VOV

Chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Dương Đan Chí, khẳng định: “Chuyến thăm đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Trung - Việt trong thời đại mới, trong đó có việc thúc đẩy sự ổn định và phát triển của khu vực. Tôi cho rằng, những kết quả này sẽ chỉ rõ phương hướng cho sự phát triển của quan hệ Trung - Việt, đưa quan hệ hai nước tiếp tục tiến lên phía trước.”

Nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước giữa Việt Nam – Lào, giữa Việt Nam - Campuchia đã diễn ra trong năm 2022, nhân dịp Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào; 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia và Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam.

Dấu ấn công tác đối ngoại của Việt Nam năm 2022 - ảnh 2Ông Veeramalla Anjjaiah, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Cùng với đó là các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Campuchia; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, New Zealand… 

Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã đón nhiều lãnh đạo thế giới tới thăm. Trong đó phải kể đến chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Tổng thống Singapore Halimah Yacob, Thủ tướng Cuba, lãnh đạo các quốc gia láng giềng Lào, Campuchia và nhiều quốc gia khác.

Năm 2022 cũng là năm đánh dấu nhiều thành công trong hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục có những đóng góp tích cực và quan trọng tại các diễn đàn của Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á –TBD (APEC)...  Đặc biệt, Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.Việc lần thứ 2 được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền cho thấy sự tín nhiệm của quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền và vì sự phát triển của con người. Ông Veeramalla Anjjaiah, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, cho biết: “Việt Nam là một quốc gia ổn định và hòa bình. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ các vấn đề nhân quyền và quyền tự do cho người dân. Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam nỗ lực đóng góp vào các giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.”

Trước sự kiện này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – A.Guterres cũng chúc mừng sự thành công của Việt Nam. Và trong chuyến thăm Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022), ông tiếp tục đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam trong hoạt động của Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – A.Guterres cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên hơn cả, khi gia nhập Liên Hợp Quốc, Việt Nam còn rất nghèo. Ngày nay, Việt Nam là một nền kinh tế sôi động và là một quốc gia có tiếng nói rất quan trọng trong các công việc của Liên Hợp Quốc. Từ xung đột đến hòa bình, từ nhận viện trợ đến tự cung tự cấp, từ nghèo đói đến phát triển; nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới”.

Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở” của đất nước, công tác ngoại giao kinh tế cũng đã được chủ động, linh hoạt triển khai thích ứng với tình hình mới, nhằm tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.Trong năm 2022, tận dụng các sự kiện năm tròn, năm chẵn kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước (Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia…), Việt Nam đẩy mạnh, lồng ghép quan hệ kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư… Đặc biệt phải kể đến nỗ lực tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác tiềm năng như Mỹ Latinh, các nước Trung Đông - châu Phi, các nước Nam Thái Bình Dương.

Ngoại giao văn hóa cũng có nhiều kết quả nổi bật. Nhiều di sản Việt Nam được công nhận, như: nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chương trình Ngày Việt Nam tại Áo, Hàn Quốc và Ấn Độ, tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Có thể khẳng định năm 2022, thành công của các hoạt động đối ngoại đã cho thấy Việt Nam tự tin tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập và phát triển đất nước, góp phần củng cố niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu