Đằng sau việc Ukraine từ chối ký thoả thuận hợp tác với EU

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Việc xoay chuyển được tình hình và đưa ra các giải pháp để cân bằng lợi ích giữa các phe phái quả là bài toán khó với Tổng thống Yanukovych.

(VOV5)- Việc xoay chuyển được tình hình và đưa ra các giải pháp để cân bằng lợi ích giữa các phe phái quả là bài toán khó với Tổng thống Yanukovych.


Gần 3 tuần sau quyết định bất ngờ từ bỏ kế hoạch ký thỏa thuận liên kết với EU của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych để ưu tiên các quan hệ kinh tế gần gũi với Nga, căng thẳng trên chính trường Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Sức ép của lực lượng ủng hộ liên kết với EU lên Chính phủ gia tăng mạnh mẽ nhất là trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hôm nay có chuyến thăm Liên bang Nga để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế.

  

Được đánh giá là một nền kinh tế có nhiều tiềm năng nhưng Ukraine đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tăng trưởng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao. Nếu Ukraine ký thoả thuận tăng cường quan hệ kinh tế với EU, EU sẽ xoá bỏ 98% hàng rào thuế quan cho hàng hoá Ukraine nhập vào châu Âu và hàng năm Kiev sẽ thu về khoảng 500 triệu euro. Đổi lại Kiev phải giảm bớt bội chi ngân sách và tăng giá khí đốt. Trong khi đó, Nga hứa đầu tư ngay hàng chục tỷ USD vào Ukraine. Có thể thấy nếu theo EU, Ukraine sẽ có lợi về lâu dài còn đi với Nga sẽ có lợi ngay lập tức. Đó là lý do khiến Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối ký thoả thuận tăng cường quan hệ kinh tế với 28 nước thành viên EU, một thoả thuận mà có tới 50% người dân nước này ủng hộ.

 

Căng thẳng chính trị chưa có hồi kết

Có lẽ Tổng thống Ukraine không lường trước được hậu quả nghiêm trọng từ quyết định xa rời EU của mình. Tình hình Ukraine đang trở nên khó kiểm soát hơn. Gần 3 tuần qua, Ukraine chìm trong khủng hoảng chính trị, đoàn kết dân tộc bị chia rẽ. Các cuộc biểu tình với quy mô lớn ngày càng gia tăng tại quốc gia này. Hàng nghìn người dân đã xuống đường, tức giận vì Chính phủ từ chối hội nhập với châu Âu. Những ngày gần đây, người biểu tình đã yêu cầu xét xử những người ra lệnh trấn áp biểu tình, thả tù nhân chính trị, trong đó có cựu Thủ tướng Timoshenko, giải tán Chính phủ, thậm chí lực lượng biểu tình còn bao vây toà nhà Cơ quan an ninh Ukraine, Bộ ngoại giao và Ủy ban bầu cử Trung ương. Phe đối lập cho biết đang chuẩn bị cho đợt biểu tình quy mô lớn mới sau khi đã huy động được gần 300.000 người xuống đường biểu tình cuối tuần qua.

 

Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống và ủng hộ quan hệ hợp tác với Nga cũng tổ chức biểu tình bên cạnh toà nhà Quốc hội.


Đằng sau việc Ukraine từ chối ký thoả thuận hợp tác với EU - ảnh 1
Những người biểu tình tập trung ở Quảng trường Độc lập tại Kiev. Ảnh: AFP


Để xoa dịu tình hình, cuối tuần trước, Tổng thống Yanukovych đã phải đình chỉ chức vụ Thị trưởng Kiev đối với ông Alexxandre Popov và Vladimir Sivkovitch, nhân vật số 2 đặc trách về an ninh và quốc phòng Ukraine, sau đợt trấn áp người biểu tình hôm 30/11. Ông Yanukovych cũng cảnh báo sẽ sa thải những quan chức soạn thảo thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và khẳng định các thỏa thuận ký với Nga trong chuyến thăm hôm nay sẽ không bao gồm văn kiện về Liên minh hải quan. Trong khi đó, Thủ tướng Mykola Azarov cũng bác bỏ tuyên bố rằng Ukraine đang nghiêng về phía Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác. Mới nhất, ngày 16/12, các nghị sỹ đảng "Các khu vực" của Tổng thống Viktor Yanukovych yêu cầu Thủ tướng Mykola Azarov tiến hành cải tổ ngay lập tức tới 90% thành phần nội các song không bao gồm khả năng Thủ tướng Azarov từ chức.

 

Bóng dáng của cuộc đối đầu Đông - Tây

Quyết định từ chối ký thoả thuận tăng cường quan hệ kinh tế với 28 nước thành viên EU không chỉ làm tổn hại tới quan hệ giữa Ukraine với liên minh này mà còn khiến Hoa Kỳ, quốc gia bên kia đại dương, nhảy vào cuộc với lý do Kiev đã trấn áp người biểu tình. Đích thân Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych để bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trong khi đó các quan chức cao cấp của Mỹ như Thượng nghị sỹ John MacCain và Murrphy tham dự một số cuộc biểu tình mới đây ở Kiev. Hai Thượng nghị sỹ này phát biểu rằng tương lai của Ukraine là thuộc về khối châu Âu thống nhất. Theo các nhà quan sát, sự can thiệp của Mỹ không chỉ là phản ứng đơn thuần mà là một phiên bản của sự đối đầu Đông – Tây.


Đằng sau việc Ukraine từ chối ký thoả thuận hợp tác với EU - ảnh 2
Người biểu tình diễu hành trên phố. Ảnh: Reuter

Lịch sử thế giới hiện đại cho thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và các đồng minh châu Âu luôn tìm cách lôi kéo các nước từng là thành viên của Liên bang Xô viết trước đây xa rời dần quỹ đạo của Nga. Chính sách này đã được triển khai hết sức bài bản mà kết quả là nhiều nước đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và EU. Tuy nhiên, vẫn còn lại một số nước lựa chọn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga vì những lý do chính trị và kinh tế, trong số này có Ukraine.

 

Có thể nói, kể từ sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004, Ukraine đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất. Việc xoay chuyển được tình hình và đưa ra các giải pháp để cân bằng lợi ích giữa các phe phái quả là bài toán khó với Tổng thống Yanukovych./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu