Những ngày qua, tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA ký năm 2015), đạt thêm một số tiến triển, đồng thời có thêm những động lực mới đáng chú ý. Cơ hội để đạt tới sự đồng thuận cuối cùng về nối lại thực thi JCPOA đang được cho là ở mức cao.
Một trong những nỗ lực mới và đáng chú ý nhất về khôi phục JCPOA là chuyến thăm Iran bắt đầu ngày 26/3 của điều phối viên của Liên minh châu Âu (EU) về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt thêm một số tiến triển đáng chú ý, trong khi các bên đều nhìn nhận tiến trình đang đi đúng hướng và khoảng cách tiến tới đồng thuận cuối cùng là “rất gần”.
Thỏa thuận đạt được những tiến triển quan trọng
Trong một tuyên bố đưa ra ngay trước khi đến Iran, điều phối viên Enrique Mora nêu rõ, mục tiêu hàng đầu chuyến công du của ông là “thu hẹp khoảng cách cho các cuộc đàm phán tại Vienna” giữa Iran và P5+1, đồng thời nhấn mạnh rằng “cần phải kết thúc tiến trình đàm phán này”. Còn tại Iran, điều phối viên Enrique Mora đã liên tiếp có các cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian và nhà đàm phán hàng đầu, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị của Iran Ali Bagheri.
Một cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters
|
Mặc dù kết quả các cuộc thảo luận tại Iran của quan chức EU chưa được công bố, song các nhà phân tích của cả châu Âu và Iran đều cho rằng đây là nỗ lực quan trọng để các bên thu hẹp thêm khoảng cách còn tồn tại trước khi tiến tới đồng thuận cuối cùng. Đáng nói hơn là nỗ lực này được thúc đẩy ngay sau khi các bên bên liên quan đồng thời đưa ra nhiều đáng giá tích cực về tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo). Cụ thể, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 23/3 tuyên bố tất cả các bên tham gia đàm phán đã gần đạt được sự nhất trí để nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng khẳng định các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã đạt được tiến triển quan trọng. Trước đó hai ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Ned Price tuyên bố Washington sẵn sàng đưa ra "các quyết định khó khăn" để đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA.
Nỗ lực và quyết tâm khôi phục JCPOA cũng được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục khẳng định trong chuyến thăm đặc biệt đang tiến hành tới khu vực Trung Đông. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị của Iran Ali Bagheri cũng tuyên bố nước này đang rất “nghiêm túc và quyết tâm” trong việc thúc đẩy đàm phán khôi phục JCPOA.
Vẫn cần thêm nỗ lực
Có thể thấy rằng, tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA đang có nhiều thuận lợi, trong đó quan trọng nhất là quyết tâm chính trị rất cao của các bên, đặc biệt là Mỹ và Iran. Theo giới phân tích, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu có biến động phức tạp như hiện nay, việc tiến tới thỏa thuận cho vấn đề hạt nhân Iran càng trở nên cấp bách và ý nghĩa hơn với các bên. Với Mỹ, việc tiến tới thỏa thuận có thể mang lại lợi ích kép, đó là tạo thành tựu đối ngoại ý nghĩa cho Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, đồng thời giúp “hạ nhiệt” tình trạng leo thang giá nhiên liệu đang ở mức cao chưa từng thấy. Vì vậy, việc có được thành tựu đối ngoại quan trọng cũng như có thể kiềm chế hiệu quả giá nhiên liệu lúc này chắc chắn mang lại “điểm số tốt” với cử tri Mỹ. Còn với Iran, dỡ bỏ những biện pháp cấm vận kéo dài nhiều năm qua luôn là mục tiêu hàng đầu mà nước này hướng đến. Trong tuyên bố ngày 27/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian một lần nữa nêu rõ việc "thu được tất cả các lợi ích kinh tế và bãi bỏ các lệnh trừng phạt" là một ưu tiên hàng đầu của Iran.
Đặc phái viên của Liên minh châu Âu về điều phối các cuộc thảo luận khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Enrique Mora. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Rõ ràng, cơ hội và động lực cho việc đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA đang hiện hữu. Khoảng cách tới sự đồng thuận cuối cùng giữa bên không còn xa. Tuy nhiên, thực tế những vướng mắc dù được đánh giá là không nhiều và không lớn giữa các bên, vẫn là trở ngại không dễ dàng vượt qua. Trong đó, vấn đề tạo dựng lòng tin giữa Mỹ và Iran vẫn được coi là rào cản lớn nhất. Trong tuyên bố ngày 27/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng việc Mỹ không có một quyết định mang tính chính trị nào để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trói buộc các lợi ích kinh tế của Iran đang cản trở các bên tham gia đàm phán đi đến một thỏa thuận chung. Về phía Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan hôm 25/3 cảnh báo đàm phán hạt nhân "vẫn tồn tại một số vấn đề” và Washington sẽ cùng các đồng minh gia tăng sức ép đối với Tehran nếu biện pháp ngoại giao thất bại.
Thực tế này đòi hỏi mỗi bên và tất cả các bên liên quan vẫn cần nỗ lực và thể hiện thiện chí mạnh mẽ hơn nữa trên cả bàn đàm phán cũng như trong hành động thực tế.