Đảm bảo tính khả thi của Chiến lược phòng, chống dịch COVID – 19 và phục hồi kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Ngay sau khi kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV kết thúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp chuyên đề tháng 11/2021 vào chiều 13/11, yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong 2 tháng cuối năm 2021 để Việt Nam có thể sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

 Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay.

Đảm bảo tính khả thi của Chiến lược phòng, chống dịch COVID – 19 và phục hồi kinh tế - ảnh 1 Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại Samsung Bắc Ninh.
Ảnh: VOV Giao thông

Tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm

Sau gần 2 năm phòng chống dịch Covid - 19, Việt Nam đã hiểu rõ hơn về dịch bệnh để dần dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việt Nam đã xác định được các trụ cột phòng chống dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị. Vì vậy, đối với Dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu đặt ra là bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp; chú trọng nâng cao năng lực điều trị, giảm chuyển nặng và tử vong.

Quan điểm này từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, vừa qua: "Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả".

Đảm bảo tính khả thi của Chiến lược phòng, chống dịch COVID – 19 và phục hồi kinh tế - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề tháng 11. Ảnh: VOV

Trong khi xây dựng Dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ cũng chú trọng việc tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch. Đặc biệt là tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; làm rõ nhu cầu vaccine, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm cụ thể. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vaccine phòng COVID-19. 

Để không lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới

Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực, xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Việc nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu Việt Nam không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình Quốc hội xem xét. Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.

Về nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát".

Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 2 chính sách quan trọng của Việt Nam trong việc đảm bảo ổn định xã hội và quay lại đà tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện 2 chiến lược này để trình cấp có thẩm quyền thông qua, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu